Tại cuộc tọa đàm “Xây dựng HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL” được tổ chức hôm 15-4 tại Cần Thơ, số liệu đưa ra cho thấy tính đến cuối năm 2014, toàn vùng ĐBSCL có 1.928 HTX nông nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có 8% số HTX có tham gia tiêu thụ sản phẩm cho xã viên.
Ngoài ra, tỷ lệ cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào của HTX nông nghiệp còn rất hạn chế, chỉ 18% HTX có tham gia hoạt động này nhưng với tỷ lệ chỉ 13,8% đối với cung ứng giống cây trồng; 6,9% phân bón; 5,7% thuốc bảo vệ thực vật và 4% thuốc thú y...
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng những hạn chế về khả năng cung ứng đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và bảo đảm đầu ra (tiêu thụ sản phẩm) là những nguyên nhân dẫn đến thu nhập của người nông dân thấp, cuộc sống còn khó khăn.
Theo ông Nhân, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và cạnh tranh gay gắt thì những hộ sản xuất đơn lẻ sẽ không có sức mạnh để đàm phán.
“Từng hộ nông dân đơn lẻ chắc chắn sẽ không có khả năng thương lượng để mua được sản phẩm đầu vào với giá cạnh tranh, phải mua với số lượng lớn mới có giá rẻ được”, ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nhân, đối với đầu ra, sản phẩm nhất thiết phải gắn với chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ, phải truy xuất được nguồn gốc…, thì mới có cơ hội đưa vào hệ thống siêu thị hay các kênh tiêu thụ hiện đại được, “mà từng hộ nông dân làm riêng lẻ sẽ không thực hiện được, chỉ có HTX mới làm được điều này,” ông nói.
Trong khi đó, các HTX nông nghiệp ở một số nước trên thế giới lại đang làm rất tốt vai trò này, theo tài liệu được cung cấp tại tọa đàm.
Tại Nhật Bản chẳng hạn, HTX tham gia tiêu thụ đến 90% sản lượng gạo, 50% sản lượng rau quả, sữa tươi, thịt bò… “Ngoài ra, HTX tham gia cung ứng đến 95,4% phân bón; 70% hóa chất nông nghiệp (phân bón, thuốcbảo vệ thực vật); 81,9% bao bì; 35,5% thức ăn gia súc…”, báo cáo cho biết.
Các đại biểu tại tọa đàm thảo luận về việc làm thế nào hình thành HTX nông nghiệp có khả năng cung cấp đầu vào với giá hợp lý, giúp nông dân tiếp cận được vốn, trong khi đầu ra ổn định…, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), cho rằng muốn làm được như vậy, HTX nông nghiệp phải gắn trong chuỗi giá trị sản xuất và phía sau là doanh nghiệp.
Theo ông Thòn, khi có doanh nghiệp cùng tham gia, thì chuyện đầu vào giá hợp lý, chất lượng cao sẽ được giải quyết; vấn đề cung cấp vốn đủ cho nông dân sản xuất đã có doanh nghiệp lo, có thể bằng hình thức doanh nghiệp bảo lãnh cho nông dân vay vốn từ ngân hàng; và việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm đầu ra.
Như vậy, HTX nông nghiệp kiểu mới phải liên kết với doanh nghiệp và nếu làm được như vậy, thì mục đích cuối cùng của thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới là nâng cao thu nhập cho nông dân, cho xã viên sẽ được giải quyết tốt, ông Thòn nói.
Mục tiêu của việc thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới đã được các Bộ, ngành đề ra như sau: giai đoạn 2015-2016 khảo sát tái cấu trúc các HTX nông nghiệp không hiệu quả, lựa chọn và xây dựng 5 mô hình HTX kiểu mới cho mỗi tỉnh/ thành ĐBSCL; giai đoạn 2017-2020 mỗi tỉnh/ thành vùng ĐBSCL xây dựng và nhân rộng 30 HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động thật sự có hiệu quả. Trung Chánh Theo thesaigontimes.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn