Khi lòng dân đã thuận
Đến Đại Mạch những ngày này, có thể cảm nhận không khí tươi vui, no ấm đang hiện hữu ở nơi đây, vùng đất nghèo trước kia đang thay da đổi thịt. Nếu như trước khi XDNTM, xã chỉ đạt 7 tiêu chí thì đến nay đã đạt 14 tiêu chí và 1 tiêu chí cơ bản đạt là giao thông.
Ở Đại Mạch, 80% đường làng, ngõ xóm đã được bê-tông hóa, nổi bật là thôn Mai Châu, 100% tổ dân phố được đánh số ngõ, số nhà, có cổng chào, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch sẽ, môi trường trong lành.
Nhắc đến chuyện đóng góp XDNTM, ông Vương Xuân Bền (thôn Mai Châu), người đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để đổ bê-tông ngõ xóm, phấn khởi nói: “Nhờ có chính sách của Đảng, Nhà nước mà cuộc sống của người dân quê tôi được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Giờ nhà đã có số, ngõ có tên, vừa đẹp, vừa dễ quản lý nên ai cũng muốn góp chút công sức cho làng, xóm mình”.
Ông Nguyễn Thành Trí, Chủ tịch UBND xã Đại Mạch tâm sự, sở dĩ có được kết quả này là nhờ công tác tuyên truyền, sự vào cuộc của tất cả các ban ngành, đặc biệt là sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân. “Mặc dù đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng khi xã phát động phong trào chung sức XDNTM, hàng trăm hộ đã đóng góp tiền của để xây dựng các công trình hạ tầng, công trình văn hóa, tiêu biểu như hộ bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn Mạch Lũng ủng hộ hơn 1 tỷ đồng để xây di tích lịch sử văn hóa thôn; hộ ông Lê Xuân Hải tự bỏ 400 triệu đồng đổ bê-tông đường dân sinh vào khu di tích. Ngoài ra, còn có hàng chục hộ ủng hộ hàng trăm triệu đồng. Khi lòng dân đã thuận thì làm cái gì cũng dễ”, ông Trí cho hay.
Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
Năm 2006, Đại Mạch nhường 27ha đất cho dự án Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Khu công nghiệp đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho không ít lao động địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng đường giao thông trong khu công nghiệp đã phá vỡ hệ thống kênh mương tưới tiêu của một số cánh đồng. Nhận thấy việc trồng lúa, hoa màu ở một số vùng không còn phù hợp, xã mạnh dạn chuyển đổi gần 70ha đất trồng ngô sang trồng táo, ổi, chuối tiêu hồng và 56ha nuôi trồng thủy sản, hình thành hàng chục trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Đơn cử như ông Cao Xuân Nghĩa ở thôn Mai Châu trồng khoảng 3ha chuối tiêu hồng, ổi, mỗi năm thu về trên 300 triệu đồng. Ông Nghĩa vui vẻ nói: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa. Việc tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng, thương lái về tận nơi lấy hàng, không tốn chi phí vận chuyển, tiêu thụ”.
Chăn nuôi cũng được phát huy, với tổng đàn gia cầm, thủy cầm hơn 134.000 con, chủ yếu là vịt đẻ trứng, sản lượng đạt khoảng 19,3 triệu quả/năm. Năm 2012, tổng giá trị chăn nuôi của Đại Mạch đạt 83,2 tỷ đồng, trong đó trang trại chăn nuôi tập trung chiếm 70%. Hiện, thu nhập bình quân của xã đạt 24 triệu đồng/người/năm, tăng 6 triệu đồng so với năm 2011.
Nhiều mô hình kinh tế mới cho hiệu quả cao đã xuất hiện ở Đại Mạch, trong đó có nuôi chim cút. Mặc dù nghề này mới du nhập được vài năm nhưng xã đã có hàng chục hộ nuôi, nhiều hộ nuôi tới 30.000 - 40.000 con. Hiện, cả xã có khoảng 1,3 triệu con chim cút, cung cấp cho thị trường 1 triệu quả trứng/năm. Nghề nuôi chim cút đã kéo theo dịch vụ ấp trứng cút lộn, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động.
Gia đình anh Vương Xuân Thành ở thôn Mạch Lũng nuôi hàng chục nghìn con chim cút, vừa đầu tư một máy ấp trứng cút lộn. Anh Thành chia sẻ: “Thời gian này giá thức ăn cao nên lãi ít, tôi quay sang đầu tư máy ấp. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng”.
Với những bước đi chắn chắn và hiệu quả, dự kiến cuối năm 2017, Đại Mạch đạt 19/19 tiêu chí NTM.
Kim Đức
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn