Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dạy nghề cho lao động nông thôn không chỉ ở riêng vùng nào mà là chung cho cả nước. Ảnh: VGP/Đình Nam
Sau 5 năm thực hiện Đề án 1956 (giai đoạn 2010-2014), cả nước đã có gần 3,2 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 70,8% mục tiêu Đề án (trong 5 năm dạy nghề cho 4,5 triệu người); đặt hàng dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp cho 10.534 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế.
Số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề đạt 90,4% kế hoạch cả giai đoạn 2010-2014. Trong số hơn 1,9 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề xong, có hơn 1,5 triệu người có việc làm sau học nghề, đạt 78,7%, cao hơn 8,7% so với mục tiêu tối thiểu của Đề án là 70% số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề…
Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng cần làm rõ những nguyên nhân để khắc phục tình trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn dàn trải, chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương; đề xuất có cơ chế để lao động sau học nghề được vay vốn khởi nghiệp, được hỗ trợ thông tin thị trường cho sản phẩm; đưa thêm những nghề mới phù hợp với tiềm năng phát triển của địa phương…
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, địa phương, đoàn thể góp phần khắc phục những hạn chế trong thời gian đầu thực hiện đề án như: Đào tạo còn chưa sát thực tiễn, hiệu quả chưa cao, mô hình đào tạo chưa linh hoạt…
Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956/QĐ-TTg với tinh thần thu hẹp đối tượng được trực tiếp hỗ trợ học nghề, chỉ hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết; kiểm tra, giám sát tốt công tác này. Quyết định cần mang tính tổng hợp nhưng nêu cụ thể các chính sách, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với cơ sở và sự tiếp cận của người dân; tránh sự trùng lắp về đối tượng, chồng chéo nguồn lực trong thực hiện.
“Chúng ta cần nhận thức dạy nghề cho lao động nông thôn không chỉ ở riêng khu vực này mà là chung cho cả nước. Đào tạo nghề phải chi tiết, cụ thể, sát nhu cầu thực tiễn của người dân. Thậm chí chỉ một công đoạn, một kỹ năng nếu đào tạo tốt cũng có thể giúp nâng cao năng suất lao động, thu nhập cho người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Các bộ ngành, địa phương cần tập trung giám sát cách thức tổ chức việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động sự tham gia các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, các cơ sở khác có đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp vào công tác đào tạo.
Bên cạnh đó, ngoài việc tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các bộ ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tích cực thông tin về hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động biết.
Mục tiêu dạy nghề năm 2015: Dạy nghề cho khoảng 950 nghìn lao động nông thôn, trong đó 550.000 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 70%. Mục tiêu dạy nghề giai đoạn 2016-2020: Đào tạo nghề cho khoảng 5,5 triệu lao động nông thôn, trong đó, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,2 triệu người. Sau đào tạo, có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. |
Đình Nam
theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn