Từng là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây cũ, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn, hiện được giao theo dõi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, TS Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với vấn đề xây dựng nông thôn mới. Nhân dịp Xuân mới Ất Mùi, đồng chí đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Online về xây dựng nông thôn mới...
Thay đổi từ đồng bằng tới vùng miền núi đặc biệt khó khănPhóng viên (PV): Thưa đồng chí, tính đến mùa Xuân này, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đi được chặng đường gần 5 năm, nhìn lại chặng đường ấy, chúng ta đã làm được những gì? Đồng chí Nguyễn Xuân Cường: Có thể nói, chúng ta đã đạt được kết quả hết sức đáng khích lệ. Thứ nhất, trong nhân dân đã có sự chuyển dịch về nhận thức coi đây là sự nghiệp của chính mình và cho chính mình. Thứ hai, chính quyền của các địa phương năm vừa qua đã xác định đây là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Do đó là hầu hết các tỉnh, đảng bộ đã có những chủ trương, chính sách, cách chỉ đạo hết sức sáng tạo. Thứ ba, năm nay chúng ta cũng huy động được một tiềm lực rất lớn cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn kinh phí và nguồn vốn đầu tư cho khu vực này là 160 nghìn tỷ, riêng ngân sách Trung ương đã đầu tư là 5.300 tỷ bằng gấp 3 lần bình quân của 4 năm trước đây. Đây là một cố gắng rất lớn của chúng ta. Chính vì thế mà năm nay chúng ta đã có được 785 xã bằng khoảng 9% số xã đạt được 19 tiêu chí quốc gia. Đặc biệt năm nay chúng ta cũng đã có những huyện đạt nông thôn mới. Đó là hai huyện của tỉnh Đồng Nai, một số huyện của Lâm Đồng và một số tỉnh khác. Điều này cho thấy chương trình xây dựng nông thôn mới của chúng ta đã phát triển không những về bề rộng và có sự chuyển biến về chất lượng và chiều sâu.
Đặc biệt là năm 2014 vừa qua, lần đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc đặc biệt khó khăn cũng đã có những xã về đích. Việc xuất hiện những mô hình ở những vùng này nói lên rằng, thực chất phong trào xây dựng nông thôn mới đã đi vào chiều sâu và lan tỏa rất rộng. Mặc dù những xã này điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng cũng đã huy động được tiềm lực chung của xã hội và của người dân.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường. |
Phải có huyện nông thôn mớiPV: Nếu chúng ta mới chỉ đặt mục tiêu làm từng xã một thì đến bao giờ hoàn thành mục tiêu nông thôn mới?Đồng chí Nguyễn Xuân Cường: Mục tiêu xây dựng nông thôn mới không phải chỉ dừng ở xã, nếu chỉ có xã không thì có những cái chỉ tiêu, những tiêu chí, đặc biệt tiêu chí sản xuất, tiêu chí về môi trường không thể giải quyết được. Xã chỉ là hạt nhân còn tiến xa hơn, phải có huyện nông thôn mới, bộ phận, vùng nông thôn mới. Do đó, việc năm nay xuất hiện hai huyện nông thôn mới của Đồng Nai là tín hiệu rất vui cho thấy sự phát triển về chất của chương trình xây dựng nông thôn mới của chúng ta. Bởi vì chỉ có huyện nông thôn mới, vùng nông thôn mới chúng ta mới có tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô vùng và chỉ có tổ chức hàng hóa lớn theo quy mô vùng thì mới đem lại hiệu quả chuỗi giá trị cao và sản xuất bền vững. Đấy là cơ sở gốc rễ để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Về môi trường, có vấn đề một xã không giải quyết được mà phải huyện; có vấn đề một huyện không giải quyết được mà phải liên huyện; có vấn đề liên huyện không giải quyết được mà phải vùng. Chúng ta đang đi theo cái hướng này.
Giải quyết những “điểm nghẽn”PV: Thưa đồng chí, đâu là những thách thức trong quá trình trình xây dựng nông thôn mới hiện nay?Đồng chí Nguyễn Xuân Cường: Nhìn tổng thể thì miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số khu vực khác thì tốc độ chậm hơn các vùng đồng bằng, những vùng ven đô thị. Nếu như chúng ta không khắc phục điều này thì kết quả cuối cùng của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới sẽ không giải quyết được bài toán khoảng cách vùng miền.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường đi thực tế tìm hiểu xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh. |
Thứ hai, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đi vào chiều sâu. Do đó, đòi hỏi tiềm lực, nguồn lực đầu tư khu vực này là rất lớn nhưng trên thực tế khả năng huy động nguồn lực cho khu vực này của chúng ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu, kể cả nguồn ngân sách của Trung ương. Trung ương chúng ta cũng cố gắng phân bổ 5.300 tỷ trong năm 2014 và Quốc hội cũng đã quyết định một gói 16 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ để đầu tư trong 3 năm từ 2014 đến 2016, nhưng so với tổng lực yêu cầu thúc đẩy đổi mới bản chất của khu vực này thì cần hơn rất nhiều.
Thứ ba là điểm nghẽn về vấn đề môi trường. Xây dựng nông thôn mới có phát triển nhưng về tổng thể thì cả 3 yếu tố của môi trường: Môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất, môi trường đời sống vẫn hết sức nhức nhối mà chúng ta chưa giải quyết được căn cốt vấn đề này.
PV: Vậy để giải quyết vấn đề môi trường, theo đồng chí cần có giải pháp gì?Đồng chí Nguyễn Xuân Cường: Thời gian qua, đã xuất hiện được rất nhiều mô hình xã hội hóa tốt. Ví dụ như Hà Nam, Thái Bình đã huy động các thành phần kinh tế đặc biệt là doanh nghiệp vào giải quyết câu chuyện nước sạch, một vấn đề rất khó trước đây.
Ở Hà Nam bây giờ, tất cả những thị trấn, thị tứ, thành phố công tác huy động doanh nghiệp vào trong lĩnh vực sản xuất phân phối nước sạch đã trở thành hiện thực mà ở đây nhà nước chỉ hỗ trợ ban đầu và đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn để giám sát quá trình tổ chức thực hiện, còn doanh nghiệp với người dân tập trung làm việc này. Điều đó cho thấy rằng, việc xã hội hóa đảm bảo công tác môi trường là cần thiết.
Đây sẽ là giải pháp tốt không chỉ trước mắt mà đó là giải pháp căn cốt lâu dài và chỉ có như vậy chúng ta mới giải quyết tốt được vấn đề môi trường.
Tiếp tục đổi mới tiêu chí, cách làmPV: Để việc xây dựng nông thôn mới phát triển hơn, đồng chí có khuyến nghị gì với các địa phương, đặc biệt là các địa phương đã đạt đích?Đồng chí Nguyễn Xuân Cường: Năm 2015 với một tiền đề đã có 1.457 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí là điều kiện rất tốt để cuối năm 2015 chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu đề ra 20% số xã đạt bộ tiêu chí 19 tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những kết quả ban đầu, quá trình xây dựng mô hình nông thôn mới là một quá trình liên tục, không chỉ dừng ở chỗ khi mà một địa phương đạt 19 tiêu chí là chúng ta dừng lại. Những xã, những địa phương đã đạt bộ tiêu chí thì phải nâng cao chất lượng hơn nữa các tiêu chí. Phải rà soát lại để nâng cao chất lượng, thúc đẩy sản xuất thông qua tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, rà soát tiếp các nhóm chỉ tiêu về môi trường để chất lượng môi trường phải nâng lên hơn, vừa qua các xã đạt chất lượng về môi trường đã có thu gom nghĩa trang rồi một loạt các thiết chế thì cần thiết phải nâng cấp tiếp về an ninh -trật tự, an sinh xã hội, rồi chất lượng đời sống tinh thần. Do đó, không chỉ đạt đến 19 tiêu chí thì chúng ta dừng, mà cái nâng cấp hơn về chất lượng. Trong năm 2015, đi đôi với việc cố gắng hoàn thành chỉ tiêu số lượng về đích 20%, thì chúng ta phải chú ý thêm tất cả nhóm chất lượng và trong đó kể cả nhóm 90% số xã chúng ta đã hoàn thành 9 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về chương trình xây dựng nông thôn mới.
PV: Cần phải xác định những cách làm mới, cách tiếp cận mới như thế nào trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, thưa đồng chí?Đồng chí Nguyễn Xuân Cường: Qua gần 5 năm xây dựng nông thôn mới, chúng ta thấy rằng:
Về nhận thức, trước hết đây là một chương trình mục tiêu dài hạn, liên tục của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.
Thứ hai, muốn chương trình xây dựng nông thôn mới thành công, người dân phải nhận thức đây là việc của mình, cho mình; các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, liên tục; Trung ương có phần hỗ trợ. Qua quá trình chỉ đạo, kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo là phải liên tục có chính sách điều chỉnh cho sát đúng và phù hợp. Ví dụ ở Bộ 19 tiêu chí lúc đầu chúng ta đưa ra, có những chỉ tiêu chưa được rõ, có những chỉ tiêu chưa được sát, có những hướng dẫn chưa được cụ thể. Ban Chỉ đạo và đặc biệt là các bộ, ngành đã tiếp thu ý kiến từ thực tiễn, rất nhanh có chỉnh sửa. Do đó cho đến nay, Bộ tiêu chí của chúng ta, đặc biệt là trong các hướng dẫn gần đây như Thông tư 43 của Bộ Nông nghiệp, Hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Hướng dẫn của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hướng dẫn của Bộ Y tế đã làm cho mức cụ thể của các tiêu chí sát hơn với thực tiễn, không làm giảm đi mục tiêu của chúng ta mà ngược lại giúp Bộ tiêu chí có tính sát đúng với từng vùng miền, đặc biệt là những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, những vùng mà mục tiêu trong giai đoạn này và giai đoạn tới chỉ cần đặt ra ngưỡng nhất định.
PV: Xin cảm ơn đồng chí! NGUYÊN MINH – CÔNG DŨNG (thực hiện)
Theo qdnd.vn