Để tiếp tục thực hiện triển khai Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới cần tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, xây dựng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới.
Đồng thời xây dựng mô hình thí điểm cho các địa phương trên cơ sở phối hợp với các cơ quan liên quan, lưu ý đến hợp tác xã cộng đồng dịch vụ công ích; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tiếp tục thực hiện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác.
Bên cạnh đó hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Hợp tác xã; rà soát các quy định hiện hành để kiến nghị sửa đổi, bổ sung; sớm trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 193/2013/NĐ-CP về hợp tác xã, Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 2261; tổng hợp khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chậm trễ và có văn bản chỉ đạo đôn đốc đảm bảo tiến độ đề ra đến các địa phương, nhất là việc đăng ký lại hợp tác xã.
Thực hiện các đề án, triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2016-2020 (Chương trình) đã được phê duyệt tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan bố trí, cân đối vốn trung hạn cho các mục tiêu quan trọng, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về liên minh hợp tác xã các cấp; triển khai hợp tác quốc tế về phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; nghiên cứu xây dựng dự án viện trợ không hoàn lại do các nước, các tổ chức quốc tế trợ giúp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Hiện nay, cả nước có 18.016 hợp tác xã, trong đó có 10.452 hợp tác xã nông nghiệp, 2.187 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 1.424 hợp tác xã thương mại dịch vụ, 846 hợp tác xã xây dựng, 965 hợp tác xã vận tải, 332 hợp tác xã môi trường, 690 hợp tác xã khác (điện, y tế, du lịch …) và 1.137 quỹ tín dụng nhân dân. Hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên doanh, liên kết được nhiều nơi triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là các hợp tác xã gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững hoạt động có hiệu quả (trên 40% hợp tác xã). Đã xuất hiện nhiều hợp tác xã điển hình tiên tiến, sản xuất, kinh doanh giỏi với hình thức phong phú, đa dạng ở các ngành nghề, lĩnh vực, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
Các hợp tác xã thành lập mới (1.153 hợp tác xã) và một số đăng ký lại, chuyển đổi theo Luật hợp tác xã 2012 (chiếm khoảng 32%) đã từng bước khắc phục những yếu kém trong tổ chức, quản lý và hoạt động, như: xác định lại tư cách thành viên, mở rộng kết nạp thành viên mới, huy động thêm vốn góp của thành viên, chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã, lợi ích thành viên, đẩy mạnh liên doanh, liên kết …
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, kinh tế tập thể cũng còn nhiều hạn chế, phát triển còn chậm cả về số lượng và chất lượng; năng lực của các tổ chức tập thể còn yếu; nhận thức về bản chất của tổ chức hợp tác xã kiểu mới và vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu chưa đầy đủ, chưa thống nhất, ý thức trách nhiệm còn thấp...
Ngọc Hoàng
theo Báo Thanh Tra
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn