GAP từ bố mẹ
Tiến sĩ Nguyễn Quang Sáng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (NCNTTS) II, cho biết: Hiện trạng giống cá tra trong thời gian qua là không đồng đều và không đảm bảo chất lượng… Kết quả điều tra hiện trạng quản lý chất lượng giống cho thấy, thời gian qua chỉ có 5/8 tỉnh có kiểm dịch con giống; 5 - 6/8 tỉnh có kiểm tra vệ sinh thú y cơ sở sản xuất và kinh doanh con giống; 2/8 tỉnh có tham gia kiểm tra điều kiện vệ sinh và quy trình công ty sản xuất thức ăn, thuốc, hóa chất; 6/8 tỉnh có kiểm tra điều kiện cửa hàng kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản; 5 - 6/8 tỉnh có tập huấn về quản lý chất lượng, kỹ thuật sản xuất giống và hướng dẫn văn bản quản lý… Chính việc kiểm dịch, kiểm tra không được đồng bộ dẫn đến chất lượng giống không đồng đều, không tốt làm ảnh hưởng lớn đến người nuôi.
Ảnh: T.PHONG
Về nguồn giống cá hậu bị và bố mẹ chỉ mới có 5,2%/152 trại sản xuất cá bột có đàn cá bố mẹ đã qua chọn lọc di truyền nhận từ Viện NCNTTS II; 31,3% cơ sở tuyển chọn cá bố mẹ từ nguồn cá tự nhiên, 6% cơ sở mua giống bố mẹ không rõ nguồn gốc từ tư thương; điều đáng quan ngại là có đến 57,4% số cơ sở tự chọn lựa từ đàn cá nuôi thịt chuyển sang cá bố mẹ. Những vấn đề trên đã làm hạn chế rất lớn đến việc thực hiện quy trình nuôi theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… trong việc truy xuất nguồn gốc con giống.
Để giải bài toán con giống cá tra, từ năm 2001, Viện NCNTTS II đã thực hiện chương trình chọn giống cá tra trên tính trạng kháng bệnh gan - thận mủ và đã thành công trên 100.000 con cá tra hậu bị đã cung cấp về cho các trại sản xuất giống ở tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ... Cá hậu bị và cá bố mẹ qua chọn lọc có gắn chíp điện tử PTT là giải pháp giúp người nuôi truy xuất được nguồn gốc theo chuẩn của VietGAP, GlobalGAP… Khi tạo ra con giống có tốc độ tăng trưởng cao hơn 12,4% đã giúp tăng năng suất và giảm được giá thành trong quá trình nuôi, giảm thời gian nuôi xuống khoảng 10%, tỷ lệ phi lê tăng thêm 0,83%, tăng chất lượng, bán được giá cao…
Ông Sáng cho rằng, giải pháp nâng cao chất lượng giống cá tra đang rất cấp bách là cần xây dựng chương trình khoa học và công nghệ quốc gia cho cá tra. Phải nâng cao năng lực và tăng cường quản lý chất lượng, tổ chức lại sản xuất theo hình thức tập thể như thành lập và phát triển chi hội, tổ hợp, HTX sản xuất cá bột và giống chất lượng cao ở các địa phương. Xây dựng chương trình sản xuất giống cá tra chất lượng cao đến năm 2020 cho từng vùng và từng tỉnh. Cần một chính sách ổn định trong sản xuất giống như: chính sách ưu đãi về cơ sở vật chất và vốn; chính sách ưu tiên cho khoa học công nghệ trong việc sản xuất giống cá tra… Khi giống đảm bảo chất lượng cao là một giải pháp thuận lợi cho quá trình sản xuất cá tra thương phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
GAP cho sản phẩm
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm chứng nhận phù hợp QUACERT (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), cho rằng: VietGAP là quy phạm thực hành nông nghiệp tốt được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí cơ bản là đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Do đó, việc áp dụng VietGAP là bước cần thiết nhằm đưa nghề nuôi thủy sản nói chung, cá tra nói riêng vào khuôn khổ, đồng thời từng bước hướng tới những tiêu chuẩn quốc tế như SQF, GlobalGAP, ASC, BRC… nhằm xây dựng và bảo vệ thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Còn đối với hiện trạng của việc áp dụng các tiêu chuẩn GAP, hiện nay các cơ sở nuôi cá tra đã và đang từng bước áp dụng mô hình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, việc chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa được thực hiện do chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể hoặc đã có nhưng còn nhiều bất cập. Một số doanh nghiệp nuôi cá tra ở ĐBSCL đã tiến hành áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, tuy nhiên số lượng nhà sản xuất cá tra được chứng nhận còn quá ít. Trong khi đó, tại Hội nghị giải pháp phát triển cá tra vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ vào tháng 8-2010, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quan trọng là phải nỗ lực bảo vệ và phát triển thị trường xuất khẩu, tăng cường nâng cao chất lượng vùng nuôi, chế biến. Đặc biệt là đẩy mạnh việc nuôi cá tra theo quy trình GlobalGAP”. Và việc áp dụng VietGAP được coi là nền tảng hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế.
Nuôi cá tra theo hướng GAP để phát triển ổn định và bền vững.
Thế nhưng, đã qua 2 năm, việc nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… ở ĐBSCL chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Với hiện trạng này thì lộ trình mà Bộ NN&PTNT đặt ra đến năm 2015 có 30% cơ sở nuôi thủy sản thâm canh, bán thâm canh cải tiến đạt tiêu chuẩn VietGAP, đến năm 2020 có 80% cơ sở đạt tiêu chuẩn này là không mấy giản đơn. Trong khi đó, theo thỏa thuận ghi nhớ được ký kết giữa đại diện WWF quốc tế với đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam và Hội nghề cá Việt Nam, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn ASC cũng được xác định “để đáp lại việc cá tra được đưa ra khỏi danh sách đỏ”, cụ thể: Đến năm 2014, sẽ phấn đấu có 75% lượng cá tra xuất khẩu đạt bất cứ một tiêu chuẩn quốc tế nào về phát triển cá tra bền vững, trong đó có 30% được chứng nhận ASC. Đến năm 2015, là 100% lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, trong đó 50% được chứng nhận ASC.
GAP để bảo vệ thương hiệu
Theo thạc sĩ Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia, việc áp dụng và chứng nhận VietGAP là nền tảng, là điều kiện tiên quyết để các nhà nuôi trồng và chế biến cá tra phải hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, ASC… là giải pháp bảo vệ thương hiệu cá tra Việt Nam và giữ vững thị trường xuất khẩu cá tra trong thời gian tới. Theo đó, Hậu Giang đang quy hoạch lại vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất trên theo hướng quản lý cộng đồng thông qua HTX để cùng liên kết trong việc ứng dụng các quy trình nuôi tiên tiến để sản phẩm đạt chất lượng, bán giá cao. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là vốn và thiếu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên kế hoạch triển khai nuôi cá tra theo VietGAP ở TX.Ngã Bảy với diện tích 30ha bước đầu cũng còn gặp một số vướng mắc.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết: Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) quốc tế đã chính thức chọn vùng nuôi của Công ty Vĩnh Hoàn và Công ty Cổ phần NTACO, Công ty Cổ phần Hùng Vương, Công ty Cổ phần Docifish, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông… để thẩm định theo tiêu chuẩn ASC quốc tế. Với chứng nhận mới này, các doanh nghiệp ứng dụng tốt, ngành cá tra Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh, giữ thị phần và bảo vệ được thương hiệu cá tra Việt Nam trên trường quốc tế.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn