Chiều 18/7, tại Hội nghị "Cánh đồng mẫu lớn", các chuyên gia cho rằng: Muốn mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML), tiến tới sản xuất hàng hóa, tăng lợi nhuận cho người nông dân, cần xây dựng mối liên kết bền chặt giữa "4 nhà"(Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp).
Trong đó, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp với nông dân, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện chương trình số 02/CTr-TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và từng bước nâng cao đời sống nông dân, Hà Nội đã phê duyệt một số chương trình, đề án phát triển sản xuất như rau an toàn, lúa hàng hóa chất lượng cao, cây ăn quả, hoa, cây cảnh... Trong đó, nội dung trọng tâm của đề án là xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, từ 100ha trở lên với lúa hàng hóa, 50ha trở lên với cây ăn quả, 30ha trở lên với sản xuất rau, chè an toàn, hoa, cây cảnh.
Trong vụ Xuân 2012, Hà Nội triển khai mô hình CĐML trên lúa hàng hóa với diện tích 3.500ha tại 31 HTX thuộc 11 huyện như Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên... Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Giống Cây trồng Hà Nội cho biết, kết quả thu hoạch vừa qua cho thấy, lợi nhuận của lúa hàng hóa theo mô hình CĐML đạt 18 - 24 triệu đồng/ha, cao hơn 5 - 7 triệu đồng/ha so với sản xuất nhỏ trước đây. Điều đáng mừng, chương trình CĐML của Hà Nội đã bước đầu có sự tham gia của 4 doanh nghiệp cung ứng giống, 6 doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và một số doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, mô hình CĐML đã triển khai được hai vụ với tổng diện tích 27.527ha. Trong đó, một số tỉnh có quy mô lớn như An Giang: 9.357ha, Đồng Tháp: 5.200ha, Tây Ninh trên 2.000ha... Các tỉnh miền Bắc có trên 7.000ha tại 6 địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Hải Dương. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, lợi nhuận thu được từ mô hình CĐML cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha do áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật làm tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất.
Nâng trách nhiệm của doanh nghiệp
Nước ta đang có lợi thế về sản suất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa, hàng năm xuất khẩu khoảng 6 - 7 triệu tấn gạo, trị giá ước đạt trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình CĐML đang gặp nhiều khó khăn, nhất là sự tham gia của các doanh nghiệp tiêu thụ còn ít. Cả nước mới có một vài doanh nghiệp thu mua lúa trong mô hình CĐML nhưng với quy mô nhỏ từ vài trăm đến vài ngàn héc ta. Do đó, Cục Trồng trọt kiến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung ứng cho từ 30 - 50% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng.
Theo TS Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, hiện nay, mối liên kết trong chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản của nước ta còn lỏng lẻo, nông dân bị ép giá, nhất là từ thương nhân nước ngoài. Do đó, muốn mở rộng mô hình CĐML, phải có sự liên kết chặt chẽ và đồng bộ giữa "4 nhà", trong đó chú trọng tới vai trò của các doanh nghiệp chế biến, thu mua, phân phối, xuất khẩu... Các doanh nghiệp cần chung tay hỗ trợ nông dân từ sản xuất tới bảo quản, tiêu thụ để đạt lợi nhuận cao nhất.
Việc xây dựng CĐML là xu thế tất yếu để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và tăng tính cạnh tranh cho nông sản trên thị trường. Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng, cần xây dựng hợp đồng có thỏa thuận về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các địa phương dồn điền đổi thửa, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lớn. Đồng thời, có chương trình xây dựng các thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm VietGAP, GlobalGAP…
Theo kế hoạch vụ Hè Thu, vụ Mùa 2012, diện tích sản xuất lúa theo mô hình CĐML của cả nước đạt trên 38.000ha, trong đó các tỉnh phía Nam khoảng 26.000ha, các tỉnh phía Bắc hơn 12.000ha (Hà Nội 3.600ha). |
Theo ktdt