Do diễn biến kinh tế khó khăn, sức sản xuất suy giảm, hàng tồn kho tăng cao và chi tiêu tiết kiệm của người dân, Bộ Công Thương dự báo, năm nay hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Hoạt động cầm chừngBáo cáo của Bộ Công Thương về hoạt động của ngành công thương trong tháng 1/2012 cho biết, việc người dân chi tiêu chặt chẽ hơn, ngay cả với các loại hàng tiêu dùng thiết yếu, cùng những khó khăn của kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất công nghiệp ngay tháng đầu tiên của năm nay.
Một góc dây chuyền mạ màu công suất 180.000 tấn/năm tại Nhà máy Hoa Sen, Phú Mỹ. Ảnh: Thế Anh-TTXVN |
Biểu hiện rõ nhất là nhiều mặt hàng tiêu dùng được chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán có lượng tồn kho lớn. Các mặt hàng sản xuất công nghiệp khác cũng trong tình trạng thấp thỏm lo tiêu thụ.
Đơn cử như ngành thép, sản lượng sản xuất vẫn đạt 502.000 tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ, nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành chỉ hoạt động 80% công suất. Việc thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu xây dựng chưa có tín hiệu khả quan và việc cắt giảm đầu tư công được thực hiện nghiêm túc tiếp tục là bài toán khó cho các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có thép. Với các mặt hàng ô tô, xe máy, dù là tháng tiêu thụ nóng để đón Tết, nhưng do chi phí để sở hữu một chiếc xe tăng mạnh khi các loại thuế và phí tăng, tình hình bán hàng trong tháng 1/2012 giảm mạnh.
Một lĩnh vực khác là điện tử, điện máy được kỳ vọng tiêu thụ tốt trong mùa Tết nhưng cũng kém sôi động. Dù giảm giá mạnh và khuyến mãi lớn, nhưng sản xuất tủ lạnh, tủ đá giảm 34,8%; điều hòa nhiệt độ giảm tới 76,8% so với cùng kỳ. Nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may xuất khẩu giảm đáng kể một phần do các hợp đồng xuất khẩu chưa khởi động trong tháng (vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo giảm 22% tương ứng với sản phẩm quần áo các loại giảm 10,9%). Sự khó khăn còn thể hiện qua việc mặc dù là tháng tết nhưng sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu dùng như thuốc lá, đồ uống, dầu thực vật, xà phòng, bột giặt,... giảm mạnh do sức mua giảm.
Các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp cũng giảm đáng kể một phần do một số công ty ngừng sản xuất vì lượng tồn kho nhiều (Công ty Lân Ninh Bình, Hóa chất Việt Trì) như: phân đạm urê giảm 20,3%, phân lân giảm 10,2%, riêng DAP tăng 32,9%.
Theo Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 1/2012 giảm 12,9% so với tháng 12/2011, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy được lý giải là có nguyên nhân từ kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhưng thực tế nhiều mặt hàng tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng cũng cho thấy thách thức không nhỏ của những tháng còn lại trong năm 2012.
Đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế,chính sáchNhằm tiếp tục triển khai và hỗ trợ có hiệu quả doanh nghiệp hoàn thành các kế hoạch năm 2012, theo Bộ Công Thương, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 sẽ là khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu; thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, trong những khó khăn của hoạt động sản xuất, xuất khẩu đầu năm các đơn vị cần có các biện pháp khắc phục khó khăn và nếu khó khăn vượt khả năng thì phản ánh với bộ để xem xét giải quyết. Nếu những khó khăn đó thuộc thẩm quyền thuộc bộ khác, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc phối hợp cùng bộ liên quan tháo gỡ khó khăn. Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, dù trong tình huống nào cũng phải thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, xuất khẩu, đảm bảo nguồn hàng cho thị trường trong nước.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định gia hạn nộp thuế thêm 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp quý I, II năm 2011 của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đến lần lượt cuối tháng 7 và tháng 10/2012. Theo ông Nguyễn Công Nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc gia hạn nộp thuế theo đề xuất này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã được gia hạn năm 2011 có thêm vốn để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh; thủ tục gia hạn nộp thuế đơn giản hơn và không ảnh hưởng đến thu ngân sách năm 2012. Với giải pháp tiếp tục gia hạn nộp thuế TNDN và được thực hiện đồng bộ với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng sẽ phát huy hiệu quả của chính sách trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Còn theo ông Vũ Văn Trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, năm 2012 sẽ là năm tăng tốc kê khai thuế qua mạng nhằm giảm thiểu các chi phí cho doanh nghiệp. Để làm được điều đó, ngành thuế sẽ nâng cấp đường truyền, hạ tầng tiếp nhận tờ khai của doanh nghiệp, tránh hiện tượng tắc nghẽn mạng, tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi kê khai thuế,...
T.Hường