Hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Long, thôn Tân Thành, xã Việt Dân làm giàu nhờ trồng cây na dai.
Chúng tôi đến thôn Đoàn Xá 2, xã Hồng Phong, huyện Đông Triều, một xã đã về đích xây dựng NTM trong năm 2013. Cũng như nhiều làng, xã khác của huyện, đường làng, ngõ xóm được bê-tông hóa đến từng nhà. Khách đến Đoàn Xá 2 hôm nay ngay đầu làng đã có sơ đồ chỉ dẫn, không phải mất công tìm kiếm, hỏi thăm vì nhà trong làng đã có số, đường ngõ đã có tên. Đoàn Xá 2 đang thực hiện chuẩn hóa nông thôn: "Sáng -xanh - sạch - đẹp", 100% số tuyến đường làng trong thôn với hơn 1.000 m đường đã có điện chiếu sáng, ba nhà có một thùng rác, thôn có tổ thu gom rác, tuyệt nhiên không có rác, phân súc vật... vương vãi trên đường.
Đến huyện Đông Triều hôm nay, đâu đâu cũng thấy bàn chuyện làm ăn, nâng cao đời sống. Có thể nói, hiệu quả của việc xây dựng NTM ở huyện Đông Triều thể hiện rõ nhất ở sự đồng thuận, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Đông Triều rất quan tâm đến đầu tư nguồn lực cho phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương Đỗ Minh Khả, một trong 10 xã của huyện Đông Triều đã về đích xây dựng NTM, trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất tập trung xã đã triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp dân đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa. Tham gia mô hình phát triển kinh tế các hộ dân được hỗ trợ 50% để có kinh phí mua con giống; 15% chi phí thức ăn chăn nuôi và 20% chi phí cho việc mua hóa chất sử dụng cho việc cải tạo ao đầm và trong quá trình nuôi. Đến nay, xã Bình Dương đã thành công xây dựng các mô hình: Cây thanh long ruột đỏ, khoai tây Atlantic, nuôi lợn hướng nạc, chăn nuôi gia cầm, trồng na dai, trồng lúa chất lượng cao, cá rô phi đơn tính thâm canh thương phẩm. Theo đánh giá của các hộ dân tham gia mô hình, cá rô phi đơn tính phát triển tốt, tỷ lệ sống cao. Cá phát triển nhanh, bình quân thu hoạch đạt từ 0,5 đến 0,8 kg/con. Với mật độ nuôi hơn 10.000 con/ha, sản lượng cá rô phi thương phẩm sẽ đạt 5-7 tấn/vụ, giá bình quân 25.000 đồng/kg đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân.
Gia đình ông Hồ Quang Hanh ở thôn Bắc Mã 1 là hộ được hỗ trợ đầu tư sản xuất tham gia mô hình và đã thoát nghèo vươn lên thành hộ khá. Ông Hanh cho biết: "Từ sự hỗ trợ của Nhà nước về giống và kỹ thuật, gia đình tôi trồng hai sào khoai tây Atlantic. Khoai đạt năng suất cao lại được doanh nghiệp của Hàn Quốc thu mua với giá 17.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi gần 50 triệu đồng. Năm nay gia đình tôi tăng lên hơn 3 sào, cho nên thu nhập khá hơn".
Gia đình ông Trần Văn Kiên, ở thôn Bắc Mã 2, cũng thoát nghèo nhờ việc tham gia mô hình trồng thanh long đỏ. Năm 2011 gia đình ông nuôi trồng 100 gốc, đến nay đã có hơn 500 gốc thanh long ruột đỏ. Mỗi năm, gia đình ông thu được gần 100 triệu đồng.
Việt Dân là một trong các xã đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt, chăn nuôi như: na, cam Canh, bưởi Diễn, giống lúa chất lượng cao QR1, QR2, TBR45, lợn hướng nạc, gà...mạnh dạn chuyển 35 ha diện tích trồng lúa kém phát triển sang nuôi trồng thủy sản. Xã đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung phát triển kinh tế vườn và trồng các loại cây phù hợp với thị trường, có giá trị kinh tế cao: 200 ha trồng na dai; 10 ha cam Canh và bưởi Diễn, 125 ha lúa có năng suất, chất lượng cao. Năm 2013, thu nhập từ cây na dai là hơn 100 tỷ đồng, từ cam Canh, bưởi Diễn hơn hai tỷ đồng. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Xuân Long ở thôn Xuân Thành, với hơn 1ha trồng na, mỗi năm thu nhập 300 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Hào ở thôn Đồng Ý mới đầu vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 20 triệu đồng mua 300 cây bưởi Diễn về trồng, năm sau anh đầu tư trồng thêm 500 cây cam canh. Đến nay, hơn sáu sào trồng bưởi Diễn và cam Canh mỗi năm cho thu nhập gần 400 triệu đồng.
Xã Hoằng Quế chuyển đổi 80 ha diện tích đầm trũng cấy lúa không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tập trung với đủ các loại như: tôm thẻ chân trắng, cá diêu hồng, rô phi đơn tính... cho năng suất bình quân 10 tấn/ha/năm. Tổng doanh thu từ thủy sản của xã năm 2013 đạt hơn 22 tỷ đồng, chiếm 30% tổng sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy năm 2013, Hoằng Quế hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM với nhiều kết quả vượt so với chỉ tiêu đề ra. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Thành Tuyên, cho biết: Ngay từ khi xây dựng NTM, xã đã xác định tiêu chí trọng tâm là nâng cao đời sống cho người dân. Tập trung làm và làm quyết liệt, nhờ vậy đời sống của nhân dân trong xã ngày càng được cải thiện rõ rệt và nâng cao với mức thu nhập bình quân năm 2013 là 32 triệu đồng/người/năm (cao gấp 2,15 lần so với mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn). Số hộ nghèo của xã chỉ còn 0,5%.
Sau ba năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã có hơn 3.000 hộ dân tham gia hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa. Cùng với đó là nguồn vốn huy động cho mục tiêu này lên tới 727,362 tỷ đồng, chủ yếu là vốn góp của dân và vốn huy động từ các doanh nghiệp. Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, đoàn thể và người dân, Đông Triều đã làm mới gần 100 km đường bê-tông giao thông liên thôn, xã, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, 100% số xã có nhà văn hóa, khu thể thao đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu hoạt động, sinh hoạt cộng đồng. Đông Triều cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc kiên cố hóa trường học, gắn liền với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Năm 2013, Đông Triều có thêm 17 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trong huyện lên 68 trong số 87 trường, đạt 78,2%. Đông Triều cũng là huyện làm tốt việc giải quyết việc làm và dạy nghề cho lao động nông nghiệp. Năm 2013, huyện đã tạo việc làm mới cho 2.580 lao động, mở hàng chục lớp dạy nghề, góp phần đưa tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên 60% lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 1,13%, tất cả các xã không có nhà tạm, nhà dột nát.
Hiện nay Đông Triều đang tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, khu sản xuất tập trung, các mô hình kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi mùa vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, đưa các cây giống, con giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất... Tất cả là tiền đề, nền tảng vững chắc để Đông Triều phát triển, bứt phá trong thời gian tới.
NGUYỄN SƠN HẢI (QUẢNG NINH)
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn