Không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân, họ còn đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của quê hương.
“Đánh thức” du lịch sinh thái
“Khởi nghiệp tại quê nhà là niềm vinh dự và tự hào dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng cũng vì tình yêu quê hương, sự đam mê ngành du lịch đã như một chất xúc tác cực mạnh làm cho tôi “dấn thân” vào lĩnh vực này. Với hai bàn tay trắng, bao khó khăn rập rình, sự phản đối đến mức “không nhân nhượng” của người thân, bạn bè vẫn không làm tôi nhụt chí. Chúng tôi đã mò mẫn, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm cả từ những người thất bại và đã có được một quyết định mang tính sống còn, đó là thay đổi chiến lược sản phẩm du lịch; và đến nay, chúng tôi đã đúng”, doanh nhân Nguyễn Tiến Trình, Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen được biết đến là người “khai phá’ thị trường du lịch chuyên nghiệp ở Hà Tĩnh bộc bạch.
Lần đầu tiên, người dân Hà Tĩnh được biết đến hình thức du lịch trải nghiệm bằng các tour du lịch sinh thái đến các vùng miền trong tỉnh. Đồng Nôi - Kẻ Gỗ - Thiên Cầm; TP Hà Tĩnh - Nghi Xuân; TP Hà Tĩnh - Khu du lịch sinh thái Hải Thượng - đồi chè Tây Sơn; TP Hà Tĩnh - vùng trà sơn Can Lộc… là những tour được công ty thử nghiệm và bước đầu cho thấy những tín hiệu khả quan.
Theo anh Trình, Hà Tĩnh có tiềm năng về du lịch biển, du lịch sinh thái, tâm linh nhưng trước đây gần như chưa có một công ty, một đơn vị nào đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Hầu hết người dân Hà Tĩnh đi du lịch mới dừng ở mức tự phát, nhu cầu chưa cao hoặc nếu có đi tour thì cũng tham gia những tour giá rẻ, chất lượng kém. Với một thị trường tiềm năng nhưng còn “ngủ quên” như Hà Tĩnh, việc “đánh thức” du lịch sinh thái không hề đơn giản. Và điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy làm du lịch manh mún của các nhà đầu tư và thói quen sử dụng dịch vụ của khách hàng.
Anh Trình cho biết: “Dù được áp dụng chưa lâu nhưng có những tour chúng tôi đón 1.000 lượt khách/ngày. Điều đó cho thấy, người dân thực sự hứng thú với hình thức du lịch sinh thái - nơi họ được hòa mình vào thiên nhiên, được trải nghiệm những giá trị văn hóa, thưởng thức đặc sản của địa phương”.
Từ lúc phải đích thân đi bán từng chiếc vé máy bay thì bây giờ Công ty CP Lữ hành Thành Sen đã trở thành đại lý bán vé của nhiều hãng máy bay. Doanh thu của công ty không ngừng tăng trưởng, từ vài nhân viên ban đầu, đến nay công ty có đội ngũ nhân viên lên tới hơn 20 người với mức thu nhập ổn định. Thương hiệu và uy tín của công ty ngày càng được khẳng định.
Xây dựng chuỗi liên kết khép kín
Bôn ba khắp mọi miền Tổ quốc, khi niềm đam mê đã chín, cùng với nắm bắt tiềm năng, cơ hội mới, doanh nhân trẻ Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên KC Hà Tĩnh chuyên chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp và cung ứng các dịch vụ sau thu hoạch quyết định trở về lập nghiệp ở quê hương.
Theo anh Tùng, làm nông nghiệp tại Hà Tĩnh thực sự khó khăn và có tính đặc thù cao, bão lũ thường xuyên, mùa hè thì nóng như chảo lửa, nên chỉ canh tác được một vụ/năm trong khi các tỉnh miền Tây là 3,5 vụ/năm, mới thấy được hết cái khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhưng với sự quyết tâm, không nhụt chí cùng với nhiệt huyết tuổi trẻ khởi nghiệp, bước đầu doanh nghiệp đã thu được kết quả khả quan: kinh doanh vật tư nông nghiệp có doanh số lớn, tổ chức sản xuất nông nghiệp liên kết theo hình thức khép kín từ cung ứng giống đến bao tiêu sản phẩm và chế biến gạo. Hiện tại, công ty đang đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gạo và bún miến khô, với công suất thiết kế 20.000 tấn sản phẩm/năm, phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.
Với những thành tích trên, niềm vui đã đến với hai doanh nhân trẻ, họ đã vinh dự đón nhận Danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2018 do Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng.
Theo Trà Giang/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn