Xanh lại quê hương "tam giác sắt"
Chỉ cách Sài Gòn 50 km, ba xã tây nam thị xã Bến Cát, Bình Dương, gồm: An Ðiền, An Tây, Phú An được hai con sông Sài Gòn và Thị Tính bao bọc ba mặt, nên có hình tam giác. Nơi đây, từng là căn cứ của Huyện ủy Bến Cát, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một và Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân ba xã tây nam đã bảo vệ vững chắc căn cứ và làm nản chí giặc Pháp khi nhiều lần tấn công vào đây. Thời chống đế quốc Mỹ, nơi này lại ngoan cường cản bước giặc, là vùng đất nguy hiểm đối với chúng. Qua hai cuộc kháng chiến, đã có hàng nghìn quân và dân vùng "tam giác sắt" anh dũng hy sinh, nhiều làng mạc, ruộng vườn bị bom đạn tàn phá nặng nề. Từ năm 1996, địa đạo tây nam Bến Cát được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, ký ức oai hùng của vùng đất tây nam Bến Cát một thời oanh liệt vẫn còn đó. Ngày nay, đi trên các con đường mới nối liền các xã, các thôn có thể thấy sự trù phú hiện hữu trên vùng đất một thời mưa bom, bão đạn. Ðó là những vườn cao-su đang mùa xanh lá tràn đầy nhựa sống, những vườn mít, vườn ổi, vườn cam vươn cành cho quả ngọt. Là những gương mặt rạng ngời của người dân khi có thu nhập ổn định và đời sống ngày càng khấm khá.
Trong ký ức của mình, ông Nguyễn Văn Mỏi (SN 1940, thương binh 2/4) nhớ lại, ngày 10-10-1965, ông chỉ huy tổ du kích bốn người tại xã An Ðiền, dựa vào ụ chiến đấu, hầm hào và mìn tự tạo đã làm hơn 100 tên địch chết, bị thương và đẩy lùi ba đợt càn của một tiểu đoàn, thuộc Lữ đoàn dù 173 của Mỹ. Còn các trận du kích, bộ đội bám đất giữ làng, chống càn bố ráp, gây cho địch thiệt hại nặng nề, như trận càn Át-tơn-bơ-rơ (1966), đặc biệt là trận Xê-đa-phôn (1967), địch huy động tới 30.000 quân, 400 xe tăng, 80 tàu chiến, 100 đại bác, máy bay ném bom, kể cả máy bay B52 hòng hủy diệt "tam giác sắt". Nhưng với hệ thống địa đạo chằng chịt, nhiều tầng, quân ta lúc ẩn, lúc hiện, bất ngờ mở đợt phản công quyết liệt. Không những địch phải rút lui, mà còn thất bại thảm hại, 3.200 tên địch bị tiêu diệt, 149 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy, 28 máy bay bị bắn rơi, hai tàu chiến bị bắn chìm. "Những ụ chiến đấu, hầm hào ngày xưa, nay là những vườn cây điều, cao-su và cây ăn trái tươi tốt của bà con lối xóm. Riêng ba ha cao-su của gia đình, mỗi tháng cũng cho thu nhập hơn chục triệu đồng", ông Nguyễn Văn Mỏi cho biết.
Ðến trại nuôi ba ba của nông dân Lương Ngọc Văn, tại ấp Lồ Ồ, xã An Tây, nhìn cơ ngơi trang trại trên vùng đất sình lầy, nhiễm phèn ven sông, chúng tôi càng thán phục ý chí làm giàu của những người nông dân. Anh Văn cho biết, vốn mê nuôi ba ba, năm 2002, anh đào ao nuôi tại ấp Lồ Ồ. Nhờ những bước đi chắc chắn, hiện nay trang trại thủy sản Trường Thọ của anh Văn đã rộng hơn ba ha, với 64 hồ nuôi, mỗi hồ 300 m2 cho lợi nhuận hơn hai tỷ đồng/năm.
Không riêng gì tại An Ðiền, An Tây mà nông dân xã Phú An cũng giàu lên thấy rõ. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú An Võ Thị Cẩm Liên, những năm gần đây, cuộc sống của bà con ngày càng khấm khá, thu nhập bình quân của người dân xã Phú An đạt 32 triệu đồng/năm; toàn xã chỉ còn 13 hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh; còn theo tiêu chí quốc gia thì xã đã xóa được hộ nghèo.
Khu công nghiệp - đô thị trên đất lửa
Ngoài nông nghiệp phát triển, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn, tỉnh Bình Dương có kế hoạch dài hơi, mạnh dạn đưa các khu công nghiệp về phía bắc. Chỉ vài năm, hàng nghìn héc-ta đất kém màu mỡ, hoặc chỉ trồng trọt được vào mùa mưa, nay được trám vào bốn khu công nghiệp (KCN): Việt Hương 2, Mai Trung, Singapore Ascendas Protrade và Rạch Bắp. Chia sẻ với chúng tôi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển Việt Hương Hàng Vay Chi cho biết, ngay từ năm 2004, KCN Việt Hương 2, diện tích 250 ha đã thu hút 36 dự án đầu tư ngoài nước, với vốn đăng ký 321 triệu USD và hai dự án trong nước, với vốn hơn 85 tỷ đồng. Hiện KCN đã gần lấp đầy, vì đây là nơi có tiềm năng phát triển công nghiệp, nhất là lợi thế về giao thông đường bộ là quốc lộ 13, Mỹ Phước-Tân Vạn, Vành đai 3, 4 và đường thủy là sông Sài Gòn.
Kế KCN Việt Hương 2, các KCN Rạch Bắp, KCN Mai Trung đang xây dựng hạ tầng đồng bộ, hứa hẹn triển vọng thu hút các nhà đầu tư. Nổi bật là KCN Singapore Ascendas Protrade, do Tập đoàn Ascendas nổi tiếng của Xin-ga-po trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao hợp tác Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade) xây dựng, với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD. Sau gần hai năm đi vào hoạt động, đến nay KCN Singapore Ascendas Protrade đã thu hút một dự án đầu tư trong nước với vốn 46 tỷ đồng và 22 dự án đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, châu Âu... đầu tư vào lĩnh vực điện tử, công nghiệp phụ trợ với vốn đầu tư 118 triệu USD. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết, để phát triển vùng "tam giác sắt", tỉnh đã dành gần 300 tỷ đồng xây cầu Ông Cộ, kết nối với huyện Dầu Tiếng và tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn, kết nối với địa đạo Củ Chi, khu di tích núi Cậu... Theo đồng chí Trần Thanh Liêm với hạ tầng hiện đại và đồng bộ, tuy mới hoạt động, nhưng KCN Singapore Ascendas Protrade thu hút đầu tư rất hiệu quả, nhất là những dự án công nghiệp kỹ thuật cao, góp phần làm bừng sáng vùng "tam giác sắt" trên đường phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị.
Sự phát triển của các KCN tại khu vực "tam giác sắt" đã thúc đẩy lĩnh vực đô thị, thương mại phát triển. Nhờ các KCN trên địa bàn thu hút nhiều doanh nghiệp hoạt động đã tạo điều kiện cho người dân hoạt động thương mại - dịch vụ. Chỉ trong thời gian ngắn, khi các KCN mọc lên, đến nay, tại xã An Tây đã có 477 hộ kinh doanh cá thể tập trung vào dịch vụ, thương nghiệp, sản xuất. Tình hình này ở xã An Ðiền cũng phát triển tốt. Theo UBND xã An Ðiền, nhờ 45 doanh nghiệp đi vào hoạt động trên địa bàn xã, tạo điều kiện cho 426 hộ kinh doanh cá thể hoạt động, trong đó có 153 hộ kinh doanh nhà trọ.
Công nghiệp phát triển miền quê vùng "tam giác sắt" đang ngày càng khởi sắc, nhà máy, nhà cao tầng mọc lên rộn ràng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân thay đổi rõ rệt, hạ tầng cơ sở khang trang. Ký ức oai hùng về vùng "tam giác sắt" oanh liệt và hiên ngang đã nhiều năm cản bước quân thù còn mãi. Ngày nay, vùng đất "tam giác sắt" đã khoác lên mình sức sống của công nghiệp - dịch vụ - đô thị đang trên đà phát triển. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn mà lãnh đạo các xã đều quan tâm, đó là chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ không đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc thời gian ngắn tiếp nhận một lượng lớn người nhập cư, làm trong các KCN đã nảy sinh các vấn đề xã hội, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Một số lão thành cách mạng băn khoăn, lớp trẻ có thể lãng quên các giá trị truyền thống tốt đẹp của vùng "tam giác sắt". Vì vậy, Bến Cát cần hài hòa giữa phát triển kinh tế với gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa.
LÊ THẨM VÀ TRỊNH BÌNH