Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là điều kiện tiên quyết để đưa cơ giới hóa vào sản xuất và quy hoạch phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa. Đây cũng là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới của Thủ đô. Chính vì vậy, UBND thành phố vừa yêu cầu 19 huyện, thị xã đồng loạt triển khai công tác DĐĐT
Giảm chi phí sản xuất, công lao động, tăng năng suất và hiệu quả canh tác là những lợi ích thiết thực mà DĐĐT mang lại cho người nông dân. Bức tranh sinh động về thực tiễn này được ghi nhận tại huyện Sóc Sơn, một trong những địa phương đi đầu trong công tác DĐĐT của thành phố.
Niềm vui trên đồng ruộng
“DĐĐT giải quyết được tình trạng manh mún và phân tán về ruộng đất, tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm công lao động, chi phí sản xuất cho người nông dân nên bà con rất phấn khởi.” - Ông Nguyễn Văn Lam - Trưởng thôn Cốc Lương, xã Tân Hưng |
Chúng tôi về xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn đúng thời điểm lúa Xuân đang trỗ đều tăm tắp trong niềm phấn khởi của bà con nông dân. Đạp xe đi thăm ruộng trên cánh đồng lúa Bắc thơm rộng bạt ngàn, chị Đỗ Thị Hoàng, thôn Ngô Đạo, xã Tân Hưng không giấu nổi niềm vui: "Trước đây đường nhỏ lầy lội, muốn đi thăm đồng phải đi bộ nhưng từ khi DĐĐT, đường bờ vùng đã mở rộng 4 - 6m nên công việc đồng áng thuận lợi hơn rất nhiều". Nhà chị Hoàng có 6 sào ruộng, trước kia rải rác trên 10 thửa ruộng, mỗi vụ cấy kéo dài hàng tuần nhưng nay chỉ còn 3 thửa, vào thời vụ chỉ cấy gọn trong 1 - 2 buổi.
Rời Ngô Đạo, chúng tôi sang cánh đồng lúa thôn Cốc Lương đúng lúc thôn đang bơm nước. Vừa tháo nước vào ruộng, bà Nguyễn Thị Nghĩa, thôn Cốc Lương vừa kể: Trước đây mỗi khi bơm nước, các hộ phải cắt cử người ra tháo, tát, thậm chí những chân ruộng cao phải bắc máy bơm. Sau khi DĐĐT vào tháng 2/2012, hệ thống kênh mương thủy lợi được hoàn thiện, nước đã về đến tận các ruộng. Từ 24 mảnh ruộng với diện tích 7,5 sào đến nay nhà bà Nghĩa chỉ còn 4 mảnh. Nhờ rút gọn được thời gian cày cấy, dọn cỏ, bà Nghĩa đấu thầu thêm 5 sào ruộng và nuôi 2 con lợn nái, 2 con bò, mỗi năm cho thu nhập vài chục triệu đồng…
Theo UBND xã Tân Hưng, toàn xã có 548ha đất nông nghiệp với 32.129 thửa ruộng, bình quân 19 thửa/hộ. Sau hai năm thực hiện DĐĐT, đến nay 4/5 thôn đã hoàn thành giao ruộng đến hộ gia đình, bình quân 1 - 3 thửa/hộ. Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết, nhờ thực hiện DĐĐT, năng suất lúa trên địa bàn xã đã tăng từ 47 - 50 tạ/ha lên mức 60 - 61 tạ/ha. Không những thế việc DĐĐT còn tạo điều kiện giúp người nông dân ứng dụng cơ giới hóa, giảm chi phí và thời gian sản xuất tới gần 50%.
Từ hai xã làm điểm về DĐĐT là Tân Hưng và Minh Trí, năm 2011 huyện Sóc Sơn đã triển khai đồng loạt ở tất cả các xã. Kết quả, đến nay toàn huyện đã dồn được 4.110ha ở 41 thôn của 20 xã. Trong đó, 95% số hộ tham gia DĐĐT còn 1 - 3 thửa ruộng/ha, 5% còn 4 thửa/hộ.
Làm “sống lại” các HTX
Không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, DĐĐT còn tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, đặc biệt là tạo đà để các HTX nông nghiệp đẩy mạnh hoạt động. Điển hình là tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, trước khi DĐĐT bình quân mỗi thửa ruộng chỉ đạt 250m², 60% diện tích làm đất vẫn phải sử dụng sức kéo trâu bò và 100% diện tích cấy lúa theo cách truyền thống.
Sau khi tiến hành DĐĐT bằng hình thức dùng cọc tiêu, phá bờ thửa, UBND xã Mai Đình đã tiến hành tổ chức lại hoạt động của HTX nông nghiệp, chuyển sang hình thức góp vốn theo điều lệ. Hiện tại HTX đã có trên 60 xã viên tham gia, mỗi xã viên đóng góp 2 triệu đồng. Ông Trương Quang Nhàn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Mai Đình cho biết, HTX sẽ đảm nhiệm các khâu làm đất, gieo sạ, tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch cho người dân. Theo tính toán, với cách làm này, chi phí sản xuất chỉ khoảng trên 260.000 đồng/sào, giảm khoảng 33% so với người dân tự làm.
Bị giải thể từ nhiều năm trước do hoạt động kém hiệu quả, nhờ DĐĐT đầu năm 2012, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Hưng đã được "sống lại". Từ chỗ không hộ nào có máy cày, đến nay toàn xã đã có 59 chiếc và quy hoạch được vùng gieo trồng lúa hàng hóa 150ha. Vụ Xuân 2012, xã đã hỗ trợ các hộ nông dân cấy lúa Bắc thơm 1 - 1,2kg thóc giống/sào và 4kg Kali/sào, khuyến khích người dân tham gia sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hưng cho biết, hiện tại HTX mới đang trong giai đoạn phục hồi nhưng thời gian tới sẽ định hướng hỗ trợ tốt hơn cho bà con nông dân.
Cũng như ở Tân Hưng, tại xã Minh Trí, việc DĐĐT đang mở ra hướng đi mới và hy vọng cho người dân. Ông Hoàng Văn Tần, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã cho biết, trước đây HTX chỉ đảm nhiệm việc thu tiền điện, thủy lợi và bảo vệ, không đủ hạch toán kinh doanh nên phải giải thể. Sau khi DĐĐT, nhu cầu dịch vụ cho các chương trình sản xuất lúa hàng hóa, rau an toàn, hoa, cây cảnh ngày càng cao. Do đó, xã cũng đang xem xét thành lập HTX để đáp ứng dịch vụ trên cho người dân./.
Bài 2: Chưa hết gian nan
Theo ktdt