Động lực xây dựng nông thôn mới từ làng nghề truyền thống
Sức sống của các làng nghề
Trái với không khí ảm đạm của nhiều làng nghề truyền thống, làng nghề cơ kim khí Phùng Xá thuộc thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, vẫn giữ được sự phát triển mạnh mẽ. Hiện, làng nghề có khoảng hai nghìn hộ với gần bảy nghìn nhân khẩu, trong đó, có 2.350 lao động làm nghề.
Ông Ðặng Cao Năm, chủ doanh nghiệp Năm Lan (làng nghề kim khí Phùng Xá) chia sẻ: "Trước đây, ngành nghề chủ yếu của làng là sản xuất cơ kim khí và các sản phẩm từ sắt, thép với các sản phẩm chủ yếu là cày, bừa, cuốc, xẻng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong điều kiện nền kinh tế được mở rộng và phát triển, để đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng, những năm gần đây chúng tôi chủ động học hỏi, đầu tư công nghệ máy móc. Nhờ vậy, đến nay làng nghề cơ kim khí có hàng nghìn loại sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại và có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cơ sở của gia đình tôi có quy mô hơn 10 nghìn m2, chủ yếu sản xuất thép tròn, thép vuông, thép tấm. Chúng tôi sử dụng thường xuyên hơn 60 lao động, với mức lương dao động từ 4 đến 12 triệu đồng/người/tháng.
Làng nghề kim khí Phùng Xá hiện có hơn 160 doanh nghiệp, 800 hộ sản xuất cơ khí, thu hút hơn 5.000 lao động trong làng và các địa phương khác.
Làng nghề Hữu Bằng (xã Hữu Bằng) cũng là một trong những làng nghề có sự phát triển mạnh mẽ, chủ yếu sản xuất và kinh doanh hàng dệt may, sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất. Đây là hai nghề sản xuất chính, mang lại thu nhập chủ yếu cho hàng nghìn người dân ở Hữu Bằng. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 99% trong cơ cấu kinh tế toàn xã. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã Hữu Bằng đạt 50 triệu đồng/người/năm. Khi điều kiện kinh tế được nâng cao, người dân có điều kiện tham gia, đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân, mới đây, qua rà soát, xã Hữu Bằng đã đạt đủ 19 tiêu chí.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết: Các làng nghề truyền thống đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần đáng kể giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Từ đó, tác động tích cực đến quá trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2016, Thạch Thất đã có 15 trong số 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2017, huyện phấn đấu thêm sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới và đặt mục tiêu sẽ trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2018.
Để các làng nghề ngày càng phát triển
Theo ông Hoàng Chí Lượng, xác định được tầm quan trọng của các làng nghề truyền thống trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả đề án “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề huyện Thạch Thất giai đoạn 2014- 2020”. Nhờ vậy, tại các làng nghề truyền thống, nhiều cơ sở đã tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm máy móc, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đổi mới thiết bị, công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, huyện Thạch Thất còn thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới thành lập, tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc ở các cụm điểm công nghiệp làng nghề.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển các làng nghề truyền thống, còn tồn tại một số hạn chế. Việc phát triển làng nghề thiếu tính bền vững, sản xuất phân tán, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là quy mô gia đình, cho nên việc đầu tư, cải tiến và áp dụng khoa học, công nghệ còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Hầu hết các làng nghề truyền thống đều chưa có hệ thống hạ tầng đồng bộ như đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, mặt bằng sản xuất chật hẹp, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng trầm trọng, các trang thiết bị phòng, chống cháy nổ, bảo hộ an toàn lao động chưa được người dân chú trọng.
Để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Chí Lượng cho rằng: Thời gian tới, các làng nghề phải tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhất là hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước, hệ thống nước thải, các công trình văn hóa… Chú trọng đổi mới, thay thế thiết bị máy móc cũ lạc hậu để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Bổ sung lao động cho làng nghề bằng hình thức mở các lớp đào tạo theo hình thức truyền nghề, hoặc có thể liên kết với các trường dạy nghề.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn