Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trong những ngày qua. Ngày 27/2, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã lên mức 388 - 392 USD/tấn, cao hơn gần 20 USD/tấn so với hồi giữa tháng. Giá gạo hiện tại là mức cao nhất trong hơn 1 năm qua.
Giá gạo xuất khẩu tăng do các doanh nghiệp ngành gạo vừa nhận thêm nhiều đơn hàng từ Philippines, Malaysia… Đặc biệt, Malaysia vừa đạt thỏa thuận mua 90.000 tấn gạo của Việt Nam và dự kiến sẽ nhập khẩu thêm trong thời gian tới. Philippines vẫn đang mua nhiều kể từ tháng 12/2019 đến nay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tập trung các lô hàng gạo xuất khẩu sang những thị trường quan trọng khác như Iraq, Cuba và Hàn Quốc (từ năm nay, Hàn Quốc dành riêng cho Việt Nam hạn ngạch 55.112 tấn gạo).
Giá gạo của Việt Nam tăng cũng có tác động từ xu hướng tăng chung do ảnh hưởng của hạn hán ở nhiều nước sản xuất và xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung.
Trung Quốc từng là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam trong nhiều năm, nhưng trong năm 2019, xuất khẩu gạo sang nước này giảm rất mạnh, chỉ còn hơn 477 ngàn tấn (giảm tới 64,2%). Thay vào đó, Việt Nam đã tăng mạnh xuất khẩu gạo sang các thị trường khác như Philippines, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Ghana, Hồng Kông, Singapore… Chính vì vậy, một số doanh nhân ngành gạo cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng ít nhiều tới thị trường gạo thế giới. Trung Quốc phải giảm xuất khẩu gạo do gặp khó khăn về logistics. Ngoài ra, không chỉ ở Việt Nam, giá gạo vừa qua đã tăng ở nhiều nước xuất khẩu gạo hàng đầu như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar… Còn ở Thái Lan, giá gạo vẫn đang ở mức cao (430 - 434 USD/tấn vào cuối tháng 2).
Trong khi đó, nhu cầu mua gạo của nhiều thị trường quan trọng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sau khi trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất trong năm 2019, Philippines sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2020, với lượng gạo dự kiến sẽ nhập là 2,6 triệu tấn.
Một số nguồn tin quốc tế cho hay, nhiều khả năng trong tháng 3 này, một đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp Philippines sẽ sang thăm và làm việc với các cơ sở chế biến gạo ở Việt Nam về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nhằm chuẩn bị cho việc nhập khẩu nhiều hơn nữa vào Philippines.
Malaysia sau khi mua 90 ngàn tấn gạo từ Việt Nam, dự kiến sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm gạo. Indonesia đã lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng tới 700 ngàn tấn so với nhập khẩu của cả năm 2019 (300 ngàn tấn).
Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng tích trữ gạo đang gia tăng mạnh ở Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore…
Do đó, những thị trường này nhiều khả năng sẽ phải tăng nhập khẩu gạo. Các nước Trung Đông và châu Phi được dự báo cũng sẽ quay lại thị trường gạo trong thời gian tới.
Giá gạo đang tăng trên thị trường Sri Lanka, cùng với việc Liberia vừa phải tạm hoãn kế hoạch áp thuế với gạo nhập khẩu, cho thấy, nhiều thị trường khác nhiều khả năng cũng sẽ phải tiến hành nhập khẩu gạo.
Nhật Bản và Hàn Quốc đang tiến hành mua gạo cho nhu cầu hàng năm, góp phần làm sôi động thêm thị trường gạo toàn cầu.
Hồi giữa tháng 2 vừa rồi, Nhật Bản đã mở thầu nhập khẩu 103.200 tấn gạo, gồm 28.200 tấn gạo hạt dài, 39.000 tấn gạo hạt vừa của Mỹ và 36.000 tấn gạo hạt vừa từ các nguồn cung mở rộng.
Gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan khoảng hơn 40 USD/tấn. Đây cũng là lợi thế để gạo Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh với gạo Thái Lan tại nhiều thị trường quan trọng.
Theo: Sơn Trang/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn