Làm đường nông thôn mới Ảnh: Tạp chí Thi đua Khen thưởng.
Xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết tháng 7-2017 cả nước có 2.813 xã, đạt 31,5% được công nhận đạt chuẩn NTM. Bình quân cả nước đạt 13,23 tiêu chí/xã, giảm 0,24 tiêu chí so với cuối năm 2016…Dự kiến hết năm 2017, sẽ hoàn thành mục tiêu phấn đấu có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Cùng với những con số đó là nhiều công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh đã được mở rộng, nâng cấp, xây mới. Ở nhiều địa phương đồng ruộng được dồn đổi, chỉnh trang, xuất hiện những mô hình, phương thức sản xuất, chăn nuôi mới hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Đời sống người dân đổi thay từng ngày. Một trong những thành công của Chương trình xây dựng NTM là người dân và cộng đồng ngày càng hiểu rõ lợi ích và tích cực tham gia hơn vào quá trình xây dựng NTM.
Quá trình xây dựng NTM nhiều địa phương cũng đã có cách làm hay để nâng cao chất lượng sản phẩm cho nông dân như xây dựng NTM gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, theo chuỗi liên kết (Hà Nam, Lâm Đồng); ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, hiệu quả cao (Đồng Nai, Tây Ninh); mô hình NTM gắn với du lịch sinh thái (TX Đông Triều, Quảng Ninh; huyện Hoa Lư, Ninh Bình; huyện Phong Điền, Cần Thơ...).
Điển hình khi nói về thành công trong xây dựng nông thôn mới người ta nhắc nhiều đến Hà Tĩnh. Từ một tỉnh bộn bề khó khăn Hà Tĩnh đã trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của toàn quốc. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, giáo dục, y tế, văn hoá và bảo vệ môi trường luôn giữ vị trí tốp đầu toàn quốc. Hiện toàn tỉnh đã có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm gần 36% tổng số xã. Đến nay không còn xã nào đạt dưới 9 tiêu chí.
Đặc biệt, tỉnh có 18 xã đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 6.150 vườn mẫu, trong đó có 1.300 vườn mẫu đạt chuẩn với những mô hình vườn mẫu rất điển hình, vừa đào ao nuôi cá, trồng nhiều loại cây rau, củ, quả với mô hình tưới tự động, hiện đại, tiết kiệm, mang lại nguồn thu nhập tới hàng trăm triệu đồng/năm… Bộ mặt nông thôn mới khởi sắc, người dân luôn ý thức được sự song hành của phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường, nỗ lực xây dựng nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Không nóng vội, không chạy theo thành tích
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì quá trình xây dựng nông thôn mới cũng phát sinh không ít bất cập, trong đó có vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản. Tính đến cuối tháng 1/2017 tổng số nợ xây dựng cơ bản của 45/63 tỉnh, thành phố còn 9.807 tỷ đồng, tính ra cả nước chỉ có 18 tỉnh không có nợ. Một số tỉnh có tổng mức nợ lớn trong xây dựng NTM là Thái Bình 1.204 tỷ đồng, Hải Dương 776 tỷ đồng, Hà Nam 598,7 tỷ đồng…
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do một số địa phương vẫn chậm phê duyệt phương án phân bổ vốn thực hiện và không cân đối được nguồn lực. Việc xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng không cân đối trước các nguồn vốn đầu tư, dẫn đến nhiều hạng mục xây xong không có vốn để trả nợ. Thậm chí, có hạng mục công trình xây dựng xong ít được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí gấp đôi.
Đây không phải là những vấn đề mới nhưng thực tế vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, hiệu quả và nợ đọng vì thế vẫn tăng. Ngoài ra, nhiều địa phương còn nóng vội, chạy theo phong trào, thành tích để nhanh về đích đã huy động quá sức dân, vay tiền doanh nghiệp để xây dựng những công trình cơ sở hạ tầng quá hoành tráng, quá lệch so với đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội), địa phương được lựa chọn là một trong 11 xã làm điểm đợt đầu đã nợ tới hơn 36 tỷ đồng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương đã ngậm ngùi thừa nhận: Cái sai của thời gian trước đây là đất do cấp trên đồng ý cho bán đấu giá chưa bán được để trích tiền làm, thì đã cho xây dựng công trình. Đó là hình thức “đếm cua trong lỗ”. Khoản nợ 36 tỷ đồng vượt quá khả năng của địa phương, chúng tôi phải cầu cứu các cấp cao hơn.
Tổng kết Chương trình giai đoạn 1, một số nơi khi được công nhận NTM xong thì người dân lại nghèo hơn, xóm làng lại buồn hơn. Là do sức dân đã bị huy động quá mức. Chỉ vì nóng vội về đích nông thôn mới, xã, thôn đã triển khai xây dựng cùng lúc nhiều công trình, phần việc, huy động người dân đóng góp, cả về tiền của và ngày công, có hộ số tiền đóng góp lên đến cả triệu đồng trong khi đời sống của bà con còn nghèo khó. Và bất cập nảy sinh từ đây.
Xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, được xã hội đồng tình. Tuy nhiên, xây dựng NTM là để đời sống người dân khá lên, cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần chứ không phải là để tích tụ bức xúc, để người dân phải chịu nợ riêng cho việc chung. Để làm được điều này, mỗi địa phương phải tự biết cân đối tài chính, cân đối sức dân, mỗi công trình xây dựng xong phải là niềm vui của cả cộng đồng chứ không phải là gánh nặng nợ nần.
Vai trò giám sát của Mặt trận
Thực tế cho thấy, vai trò giám sát của MTTQ trong xây dựng NTM rất quan trọng, nhất là cán bộ Mặt trận cơ sở - những người gần dân, hiểu dân. Họ chính là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, trong điều kiện trợ cấp ít ỏi, nhân lực hạn chế, nhưng nhờ biết đoàn kết, tranh thủ được đội ngũ các vị có uy tín, có kiến thức, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động của pháp luật tham gia cùng giám sát các công trình, phần việc tại khu dân cư nên đã giám sát được một khối lượng công việc khá đồ sộ, trải rộng trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội…
Thông qua hoạt động giám sát của MTTQ, nhiều công trình, phần việc sai sót đã được kiến nghị và giải quyết kịp thời. Nhiều công chức trong việc thực hiện các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới không dám làm sai, không dám biển thủ công quỹ bởi đã có những “con mắt” giám sát tinh tường, sát sao của những người Mặt trận. Kết quả đó đã giúp cho các công trình thực hiện đúng tiến độ, tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng, được nhân dân đồng tình và hoan nghênh.
Thông thường theo qui định, các công trình đầu tư đều có bộ phận giám sát thiết kế, giám sát thi công, có thanh tra ngành, có nghiệm thu từng phần và nghiệm thu công trình khi kết thúc, có kiểm toán... Tuy nhiên, thực tế nhiều công trình không hề được giám sát, nhất là đối với những xã vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn. Nếu cán bộ Mặt trận, các Ban Giám sát cộng đồng không vào cuộc thì chắc chắn chất lượng các công trình xây dựng này sẽ không được đảm bảo, không tạo được niềm tin và sự đồng thuận của người dân.
Tại một số địa phương Ban thường trực MTTQ xã đã thành lập Ban giám sát đầu tư cộng đồng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Ban đã trực tiếp thực hiện giám sát hầu hết các công trình xây dựng cơ bản cấp xã và các công trình khác như trường mầm non, nhà văn hóa, đường giao thông theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Tại các cuộc giám sát, khi phát hiện những sai sót trong thi công chưa bảo đảm theo thiết kế, Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã kịp thời nhắc nhở đơn vị thi công khắc phục, sửa chữa kịp thời, góp phần bảo đảm chất lượng công trình theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”.
Tuy nhiên, trong quá trình giám sát xây dựng nông thôn mới, tiếng nói, kiến nghị của cán bộ Mặt trận cơ sở lại ít được lắng nghe, chưa nói đến việc tiếp thu. Hiện cũng chưa có qui định cụ thể và hướng dẫn chi tiết chính thức trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về công tác giám sát của Mặt trận dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo: Minh Hà/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn