Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập; phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực ngoại thành đạt 49 triệu đồng/năm trở lên, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5% (theo tiêu chí mới)…
Đấy là những mục tiêu có tính đại cương mà Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" (Chương trình 02) đặt ra. Đến thời điểm này - khoảng một nửa thời gian thực hiện, dấu ấn về thành tựu là hết sức rõ nét. Đó không chỉ là những thống kê, chỉ số cụ thể: Thành phố hiện có 294 xã cán đích nông thôn mới, chiếm 76,16% tổng số xã và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 22,22% tổng số huyện... Đó còn là những chuyển biến về chất: Diện mạo các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới "thay da, đổi thịt" từng ngày; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên; những giá trị văn hóa ở từng vùng quê cụ thể, ở khu vực nông thôn nói chung được giữ gìn, bồi đắp...
Tuy vậy, bên cạnh thành tựu, còn không ít vấn đề đang cần được nhận diện, tháo gỡ. Với các địa phương chưa đạt đủ tiêu chí cần thiết để trở thành nông thôn mới là yêu cầu tiếp tục thực hiện chương trình. Với các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn là yêu cầu giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí. Nhìn xa hơn, xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng đặt ra nhiều câu hỏi về mô hình, cách thức tổ chức... do chưa có "khuôn mẫu". Về tổng thể, khu vực nông thôn Hà Nội, nơi nọ nơi kia vẫn có những câu chuyện còn phải trăn trở về môi trường, xã hội… Không chỉ vậy, sự phát triển của đời sống luôn đặt ra những vấn đề mới, với yêu cầu cao hơn, chẳng hạn: Chương trình 02 (lúc ban hành) đặt ra nhiều tiêu chí cao hơn so với Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, rồi một số tiêu chí của chương trình tiếp tục được điều chỉnh theo hướng nâng lên. Vì thế, những mục tiêu có tính đại cương, những tiêu chí cụ thể đang đặt ra những yêu cầu vừa có tính liên tục vừa có tính thời sự.
Trước hết, đó vẫn là việc các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên cơ sở các nghị quyết, kế hoạch... và cả nguồn lực hỗ trợ mang tính “bà đỡ” của thành phố. Cũng chính các địa phương, đặc biệt là đơn vị cơ sở, từ thực tế của mình, tự tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, cũng là để hiến kế, tham mưu cho thành phố khi cần thiết.
Thứ hai, trong xây dựng nông thôn mới, người dân là đối tượng thụ hưởng (thành quả) song trước hết là một chủ thể thực hiện. Sự đồng thuận của người dân, phát huy tính sáng tạo, nguồn lực cả về vật chất lẫn trí tuệ của cộng đồng xã hội là bài học còn nguyên giá trị. Ở đây, cũng cần nói thêm: Không được lạm dụng sức dân là chỉ đạo, yêu cầu đặc biệt quan trọng của lãnh đạo Trung ương và thành phố.
Thứ ba, xây dựng nông thôn mới nâng cao là giai đoạn tất yếu trong thời gian tới. Chính vì vậy, từ những mô hình đang thí điểm, việc góp phần xây dựng “chuẩn” là rất cần thiết, cho không chỉ Hà Nội mà còn cho nông thôn cả nước.
Quá trình xây dựng nông thôn mới, xét cho cùng, luôn gắn kết và đóng vai trò, vị trí đặc biệt trong quỹ đạo phát triển chung của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, nhất là trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tháo gỡ hiệu quả những tồn tại, thực hiện tốt những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn chính là để khu vực “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) của Hà Nội đạt được vị trí xứng đáng trong tiến trình này.
Theo Bình Nguyên/hanoimoi.com.vn