Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang đứng ở thời điểm khá quan trọng, sẽ sôi động trở lại hay rơi vào băng giá. Điều nay tùy thuộc rất nhiều vào các chính sách của Chính phủ; tùy thuộc vào tâm lý thị trường. Thời gian gần đây, có người đặt câu hỏi là có nên cứu thị trường BĐS hay cứ để cho rơi tự do?
Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời những băn khoăn, thắc mắc của người dân.
PV: Thưa Bộ trưởng, BĐS là ngành có vai trò thúc đẩy phát triển nhưng cũng có thể làm trì trệ cả một nền kinh tế. Trong lúc nền kinh tế khó khăn như giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng có cho rằng cần phải hỗ trợ thị trường BĐS hay không? Bộ trường bình luận thế nào về ý kiến cho rằng nên để thị trường BĐS rơi tự do?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đất nước chúng ta đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để nền kinh tế thị trường phát triển, phải phát triển đồng bộ các loại thị trường, trong đó có thị trường BĐS. Các thị trường phát triển thông suốt, đồng bộ, lành mạnh sẽ tạo cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển, từ đó người dân sẽ được lợi.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng |
Thị trường BĐS có liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực: tài chính tiền tệ, sản xuất vật liệu xây dựng, thép, nội thất, cung ứng hạ tầng cho các khu công nghiệp... Vì vậy, thị trường BĐS khó khăn sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác mà còn làm giảm thu nhập của người lao động, ảnh hưởng đến giải quyết lao động việc làm, do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là nhiệm vụ cần thiết.
Nghị quyết Quốc hội đã yêu cầu phải làm ấm dần thị trường BĐS. Do vậy, Chính phủ đang nỗ lực đề ra các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn chung cho sản xuất kinh doanh, trong đó có tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Vì vậy, chúng ta sẽ không bàn nhiều đến việc cứu hay không cứu, cũng như để thị trường BĐS rơi tự do hay không tự do.
PV: Mới đây, dự kiến gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp mua nhà cũng thể hiện chủ trương này của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, 30.000 tỉ đồng chỉ như là “muối bỏ bể” và khó có thể tác động đến thị trường BĐS? Bộ trưởng có nghĩ như vậy không và thời gian tới cần tiếp tục có những giải pháp nào để hỗ trợ thị trường BĐS?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Để gỡ khó cho thị trường BĐS, cần hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp về cấu trúc lại sản phẩm bất động sản, các nguồn lực cho bất động sản. Nhưng giải pháp về nguồn lực, đặc biệt là vốn, do đất nước ta còn nghèo, nên sẽ rất khó khăn.
Những nước phát triển có thể tung ra những gói cứu trợ rất lớn để mua lại các sản phẩm BĐS, hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng chúng ta thực hiện một giải pháp đồng bộ là cấu trúc lại sản phẩm BĐS, khắc phục lệch pha về cung-cầu, hướng sản phẩm BĐS đến người tiêu dùng. Chúng ta tháo gỡ khó khăn cho BĐS gắn với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, mục tiêu quan trọng là hướng tới nhà ở xã hội.
Hiện nay, còn số lượng lớn người nghèo thiếu nhà ở, nếu giải quyết được nhà ở cho người nghèo thì cùng lúc sẽ làm được nhiều việc khác: Kích cầu cho nền kinh tế phát triển, mọi người đều được hưởng lợi từ sự phát đó.
Mặt khác, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với chiến lược nhà ở, Chính phủ đã ra gói kích cầu 30.000 tỷ đồng, giao cho Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các Ngân hàng thương mại, nhưng chỉ để cho người nghèo, chỉ những cán bộ công chức, viên chức, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang, công nhân khu công nghiệp, những người khó khăn, những người lao động ở đô thị đang ở những khu nhà chật chội thì được cải thiện nhà ở, vay để mua hoặc thuê nhà. Không phải vì thị trường BĐS khó khăn mới làm gói này, khi đất nước chúng ta phát triển, kinh tế không khó khăn vẫn cần thiết làm việc này, bởi đây là chiến lược lâu dài.
Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa ra gói tín dụng tập trung vào việc thực hiện nhà ở cho người nghèo vay để mua nhà. Gói 30.000 tỷ đồng tuy nhỏ, nhưng rất quan trọng, cùng sự hỗ trợ của nhà nước không thu tiền sử dụng đất đối với những dự án nhà ở xã hội, đây sẽ là gói kích cầu tăng tiêu dùng, từ đó tăng sản xuất và tạo ra sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Không chỉ 30.000 tỷ đồng gói tín dụng này, mà sắp tới Chính phủ đang tập trung cho chương trình 167 giai đoạn 2. Với trên 500.000 hộ nghèo ở nông thôn để cải thiện nhà ở, bên cạnh đó có thêm gói hỗ trợ cho 70.000 người có công để cải thiện nhà ở và cho 60.000 người ở Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền trung, những vùng bị thiên tai để cải thiện lại nhà ở. Những gói tín dụng chắc chắn sẽ tạo điều kiện để tăng cầu của nền kinh tế.
PV: Một vấn đề khác liên quan đến ngành xây dựng. Chúng tôi có nhận được câu hỏi của một người Mỹ đang sinh sống tại Việt Nam muốn tìm hiểu về chính sách bán nhà cho người nước ngoài tại Việt Nam. Bức thư này viết: “Tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với chủ trương cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, Bộ trưởng có thể cho biết bao giờ thì Bộ Xây dựng có quy chế cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam”?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Quốc hội có Nghị quyết số 19 về cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, nhưng từ năm 2009 đến nay mới có 121 người nước ngoài được cấp quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Ít như vậy vì trong Nghị quyết 19 yêu cầu về đối tượng rất hạn chế, điều kiện chặt chẽ, loại nhà để bán quy định hẹp, thời hạn sử dụng không lớn. Chính vì vậy chưa khuyến khích được người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Do vậy, trong thời gian tới Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Xây dựng trên cơ sở những ý kiến đóng góp, kiến nghị của người dân để xây dựng chính sách trình Quốc hội cho phép mở rộng đối tượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Trong đó tập trung mở rộng vào đối tượng mua, điều kiện mua nới lỏng, loại nhà tập trung vào loại nhà thương mại nhưng có giá trị cao, thời hạn sở hữu nhà kéo dài hơn chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam.
Việc người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam, một mặt tiêu thụ được những sản phẩm BĐS, mặt khác sử dụng thêm được người lao động, bởi những ngôi nhà mà người nước ngoài mua tại Việt Nam nếu ở, hoặc ở gián đoạn thì vẫn cần người chăm sóc cho căn nhà. Do vậy, chúng ta vừa giải quyết được vấn đề kinh tế và lao động việc làm cho người dân. Đây cũng là giải pháp trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Về lâu dài đây cũng là giải pháp để chúng ta hội nhập với khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực phát triển nhà ở.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.
Theo Vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn