“Hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp Việt Nam vì nó tạo ra sự tương tác đồng hướng của bốn loại lợi ích: lợi ích của hơn 10 triệu hộ nông dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của các nước giao thương với Việt Nam” - Đó là khẳng định của GS. TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại cuộc tọa đàm “Xây dựng các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp như thế nào trong giai đoạn 2015-2016 và 2017-2020” diễn ra ngày 11-4, tại Hà Nội. |
Buổi tọa đàm do Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp tổ chức. Xuất phát từ thực tiễn… Trong chặng đường phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ, hợp tác xã (HTX) đóng vai trò rất quan trọng, góp phần to lớn vào những thành tựu đổi mới kinh tế đất nước. Phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là xây dựng HTX là một chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng mà nòng cốt là HTX, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi; dựa trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, mang lại lợi ích cho các thành viên và xã hội; không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Theo thống kế, tính đến tháng 10-2014, cả nước có 19.800 HTX, trong đó có 10.339 HTX nông nghiệp, tăng 41% so với năm 2003. Trong số 10.339 HTX nông nghiệp thì có tới 9.363 HTXDVNN, chiếm 92%. Tổng số xã viên khoảng 6,7 triệu người. Trung bình một HTX nông nghiệp có 660 xã viên. Thu nhập bình quân của người lao động ở khu vực HTX nông nghiệp đạt từ 0,7 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ hộ nông dân tham gia HTX nông nghiệp khoảng 45%. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động của các HTX nông nghiệp hiện nay còn rất hạn chế bởi phần lớn các HTX nông nghiệp mới chỉ cung cấp được các dịch vụ đầu vào cơ bản cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong khi chỉ có khoảng 9% các HTX cung cấp được dịch vụ đầu ra. Quy mô của tổ hợp tác, hợp tác xã nhỏ; trình độ công nghệ lạc hậu, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý yếu. Chất lượng, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các HTX, tổ hợp tác còn thấp. Vốn ít cũng là một đặc trưng của các mô hình HTX, đặc biệt với các HTX dịch vụ nông nghiệp. Ngoài ra, năng lực, kinh nghiệm của cán bộ quản lý HTX nông nghiệp, đặc biệt ở các mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Đánh giá nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, yếu kém của HTX trong nhiều năm qua, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, là do nhận thức về HTX của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu chưa đầy đủ, chưa thống nhất, ý thức trách nhiệm còn thấp, ảnh hưởng tâm lý của HTX trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp còn nặng nề. Trong khi đó, năng lực của các HTX còn yếu chưa theo kịp với những biến động của thị trường; công tác quản lý nhà nước về HTX còn nhiều hạn chế, bộ máy phân tán, hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó khung khổ pháp luật, chính sách phát triển HTX chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, các mô hình HTX mới thành lập xuất phát từ nhu cầu hợp tác thực sự của các hộ thành viên phát triển khá đa dạng. Các HTX được thành lập theo Luật HTX năm 2003 và Luật hợp tác xã 2012 hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng, cùng có lợi. HTX ký kết được các hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, quy trình sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân. “Sự thay đổi, không chỉ đến ở khía cạnh doanh thu hay lợi nhuận mà còn là sự ổn định trong sản xuất, nâng cao năng suất và quy mô sản xuất. Các thành viên tham gia HTX xuất phát từ các nhu cầu tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, gia tăng gắn kết cộng đồng, giảm thiểu chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm đầu ra, phát triển cộng đồng, nâng cao thu nhập của các hộ thành viên và hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX” – ông Vương Đình Huệ phân tích. … HTX kiểu mới là nhu cầu, xu thế khách quan Đánh giá thực tế thời gian qua cho thấy, đã có những HTX nông nghiệp kiểu mới được hình thành và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước. Đó là HTX nông nghiệp được tổ chức và quản lý theo đúng các nguyên tắc HTX, thành viên tham gia HTX tự nguyện, có góp vốn và tham gia các hoạt động kinh tế của HTX, dân chủ trong HTX được phát huy. HTX có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường và nhu cầu lợi ích của thành viên, vốn tích lũy của HTX được tăng cường, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, về cơ bản, tình trạng khó khăn, tồn tại, yếu kém của nhiều HTX nông nghiệp chưa được khắc phục như: năng lực nội tại của nhiều HTX nông nghiệp còn yếu kém cả về tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và hạn chế quy mô hoạt động; đa số HTX cơ sở vật chất, kỹ thuật nghèo nàn, máy móc thiết bị cũ, trình độ công nghệ lạc hậu; hầu hết trình độ quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ; hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thành viên và chưa mang lại nhiều lợi ích cho thành viên. Theo GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để phát triển, nâng cao hiệu quả các HTX thì việc đầu tiên là cần đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với việc chú trọng phát triển các HTX kiểu mới theo quy định của pháp luật. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách phát triển HTX. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế hợp tác. Mặt khác, đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Liên minh HTX, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể. Tại buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phân tích và đưa ra những giải pháp để phát triển nông nghiệp Việt Nam; đồng thời khẳng định, HTX kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, mạnh mẽ để tạo đột phá phát triển của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, vì nó vừa duy trì sự quan tâm, nỗ lực, sáng tạo cao nhất của từng hộ nông dân (trồng trọt, chăn nuôi, nghề cá,...) vì họ vẫn là người chủ đầy đủ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời các hộ nông dân được sự hỗ trợ rất hiệu quả của HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp nhận tối đa các hỗ trợ của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ các liên kết với doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hội nhập quốc tế về thương mại. GS. TS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “HTX kiểu mới không những đem lại lợi ích lớn hơn nhiều cho người nông dân, mà còn đem lại lợi ích cho nhà nước - giảm chi phí và nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước, lợi ích cho doanh nghiệp và ngân hàng - giảm chi phí, giảm rủi ro và lợi ích cho các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam - tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực thương mại quốc tế”. Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển hết sức ngoạn mục, tuy nhiên hệ thống sản xuất nông nghiệp của đã phát huy hết tác dụng. Và khoảng năm năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển về số lượng, song hầu như không có tiến bộ về chất lượng. Với HTX kiểu mới, nông nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất, có tính đột phát, vì nó khắc phục được các yếu kém, cản trở kéo dài trong suốt thời gian qua. |
CHÍ TRUNG Theo nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn