Theo đánh giá của UBND Thành phố Hà Nội, hoạt động KHCN trên địa bàn thành phố thời gian qua đã có những đổi mới mang tính đột phá. Hàng năm Sở KHCN Hà Nội đều tổ chức hội nghị 3 nhà: quản lý, khoa học và nhà sản xuất nhằm tạo sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu khoa học với quản lý và sản xuất kinh doanh. Đổi mới quy trình quản lý đề tài dự án thông qua bộ phận ”một cửa”. Đặc biệt, năm 2012, thành phố tiến hành cấp kinh phí cho các đề tài từ tháng 1 (so với năm 2007, 2008 là tháng 7, 8 và năm 2009-2011 là tháng 4,5). Do đó, chất lượng của các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ ngày càng được nâng cao. Qua ghi nhận, 70% số đề tài và 100% số dự án khoa học công nghệ (KHCN) được triển khai trên địa bàn thành phố thời gian qua đã đem lại hiệu quả cao. Hầu hết các đề tài, dự án KHCN đều tập trung cho việc nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, xây dựng quy trình công nghệ mới, mô hình mới và kỹ thuật mới, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp,... đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Trong nông nghiệp, có thể kể đến dự án sản xuất hoa công nghệ cao tại các huyện như Mê Linh, Từ Liêm, Đan Phượng…, trừ chi phí, mỗi hộ dân trồng hoa cũng lãi được vài chục triệu đồng/ha mỗi năm. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang mở rộng xây dựng mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại các địa phương. Vụ mùa năm 2012, với 3.600 ha lúa hàng hóa chất lượng cao, dự kiến đạt sản lượng 18.720 tấn, đem lại giá trị kinh tế hơn 68 tỷ đồng, tăng so với sản xuất lúa thường chỉ khoảng 40,5 tỷ đồng… Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều DN ở Hà Nội đã có sự vươn lên mạnh mẽ nhờ ứng dụng công nghệ cao, kết quả tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp ưu tiên mũi nhọn của Hà Nội, đem lại mức doanh thu cao từ vài trăm đến 1.000 tỷ đồng. Điển hình như: Chế tạo vỏ xe ô tô của Công ty Xuân Kiên (Vinaxuki) bằng dây chuyền đúc kích thước lớn theo công nghệ Nhật Bản, hệ thống máy CNC hiện đại và ứng dụng công nghệ robots; Chế tạo sơn xây dựng cao cấp bằng công nghệ siêu mịn nano của Công ty Sơn Kova; Chế tạo đá ốp lát granite mật độ cao theo công nghệ rung nén trong môi trường chân không của Công ty Đá ốp lát Vinaconex; Công ty Chế tạo thiết bị điện Đông Anh EEMC chế tạo thành công máy biến áp 500 KV… Mục tiêu củaHà Nội đến năm 2015, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm 20% GDP và 50% vào năm 2020; tốc độ đổi mới thiết bị bình quân 12 – 17%/năm. Đồng thời, đến năm 2020, thành phố hoàn thành 10 - 15 vườn ươm công nghệ và công viên khoa học Hà Nội. Để thực hiện các mục tiêu trên, Chiến lược phát triển KHCN thành phố Hà Nội đến năm 2020 đã đề ra giải pháp phát triển có chọn lọc một số công nghệ trọng điểm, có tác động lớn đến việc hiện đại hóa các ngành kinh tế - kỹ thuật, phát huy được lợi thế về lực lượng lao động, cơ sở vật chất, tạo ra các sản phẩm xuất khẩu… thuộc 4 lĩnh vực công nghệ then chốt là công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ cơ khí, điện, điện tử, tự động hóa; công nghệ thông tin. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Hà Nội là trung tâm lớn, tập trung đông đảo lực lượng khoa học trí tuệ, nếu tận dụng được đội ngũ trí thức, thu hút họ vào cùng giải quyết các vấn đề của Thủ đô, chắc chắn sẽ thành công. Tuy nhiên, hiện tại việc khai thác tối đa nguồn lực này còn yếu kém, do chưa tạo được những cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học và các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý, tạo cơ chế chính sách khuyến khích KHCN phát triển cần được chú trọng để tạo điều kiện cho thành phố tận dụng được nguồn nhân lực cũng như mời được các chuyên gia, các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài vào nghiên cứu, làm việc tại khu nghiên cứu và phát triển (R&D), khu vườn ươm công nghệ và liên doanh hợp tác với các doanh nghiệp trong nước sản xuất các sản phẩm công nghệ cao trong khu sản phẩm công nghệ cao./. Quỳnh Nga
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn