Điều này được khẳng định trong báo cáo mới đây của BCĐ xây dựng NTM tỉnh Hải Dương. Cũng theo báo cáo này, đã bước sang năm thứ 4 xây dựng NTM nhưng vẫn còn khoảng 20% số xã trong toàn tỉnh chưa phê duyệt xong Đề án xây dựng NTM.
Theo BCĐ xây dựng NTM tỉnh Hải Dương, có mấy nguyên nhân căn bản. Thứ nhất, nhận thức của một số xã về xây dựng NTM chưa toàn diện, còn tư tưởng trông chờ vào nguồn lực của tỉnh và Trung ương. Các xã chưa tích cực chủ động trong triển khai chương trình, chưa năng động sáng tạo trong cách làm.
Thứ hai, các văn bản hướng dẫn thực hiện ở giai đoạn đầu của các Bộ, ngành chưa thống nhất. Thứ ba, nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình của Trung ương, tỉnh, huyện chưa được nhiều.
Song, thực tế Hải Dương không phải là tỉnh nghèo. Bằng chứng là tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 5,82%. Trên địa bàn có 10 khu công nghiệp, 33 cụm công nghiệp với hàng trăm DN hoạt động có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2013, trong điều kiện khó khăn chung của cả nước nhưng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh vẫn được 5.500 tỷ đồng, đạt kế hoạch Trung ương giao. Thế nhưng, nguồn lực dành cho đầu tư NTM vẫn chưa nhiều.
Về điều này, ông Mai Nhật Tân, Phó Chánh Văn phòng BCĐ xây dựng NTM tỉnh Hải Dương, cho rằng, có những nguồn lực lớn dành cho đầu tư ở những chiến lược khác. “Chẳng hạn, thị xã thì đang phấn đấu lên đô thị loại 3. Huyện Kinh Môn đang quyết tâm để được lên thị xã. Thành phố Hải Dương cũng đang hạ quyết tâm để sớm trở thành đô thị loại I”.
Trong đầu tư xây dựng NTM, 3 năm qua, Hải Dương huy động được nguồn vốn 16.288 tỷ đồng. Nghe qua, con số đó rất lớn nhưng thực tế thì có đến 11.040 tỷ đồng là nguồn vốn tín dụng do người dân và DN vay để đầu tư phát triển kinh tế, chứ ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp chỉ ở mức cực kỳ khiêm tốn là 1.497 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương được 112 tỷ, tỉnh được 80 tỷ, huyện được 343 tỷ và xã được 962 tỷ đồng.
Trong khi nhiều tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Hồng còn nhiều khó khăn, chủ yếu là SXNN nhưng các địa phương đó đã chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt để cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách đồng bộ, không xảy ra tình trạng ỷ lại, trông chờ trong xây dựng NTM. Vì thế, đến nay hầu hết các tỉnh đó đều đã có xã đạt NTM, có tỉnh đạt 10 - 15 xã.
Thế nhưng cùng chung điều kiện tự nhiên và có nhiều lợi thế là "không phải tỉnh nghèo và có nhiều khu công nghiệp” nhưng phong trào xây dựng NTM ở Hải Dương vẫn chưa thực sự có cú hích mạnh.
Các tỉnh từ Bắc chí Nam đang vào cuộc xây dựng NTM với một khí thế quyết liệt, mạnh mẽ thì Hải Dương vẫn tiếp tục kiến nghị Trung ương “nghiên cứu sửa đổi một số tiêu chí NTM như môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở vật chất văn hóa” vì cho rằng khó làm quá.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn