Phóng viên báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Thép – Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng về vấn đề này.
PV: Chào ông, hiện tại ở Hải Phòng chưa có trường hợp nhiễm virus Covid-19, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân nhiều nơi đã chủ động tích trữ nhu yếu phẩm như gạo, thịt, rau củ.... nguyên nhân 1 phần do tâm lí lo ngại sẽ thiếu lương thực, thực phẩm. Xin ông cho biết tình hình nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp tại Hải Phòng hiện nay như thế nào? Có đủ để cung cấp cho người dân hay không?
Ông Phạm Văn Thép: Hiện trên địa bàn thành phố diện tích rau các loại là 3.500 ha, cho thu hoạch từ nay đến hết tháng 5, năng suất bình quân ước 16,3 tấn/ha, sản lượng 57.200 tấn, tương đương 1 ngày có khả năng cung cấp khoảng 815 tấn rau các loại cho thị trường trong khi nhu cầu rau trên địa bàn thành phố 1 ngày cần 800 tấn. Do vậy, lượng rau xanh phục vụ nhân dân thành phố là thoải mái.
Về gạo, sản lượng thóc vụ mùa năm 2019 là 186.148 tấn, tương đương 131.000 tấn gạo. Đến nay người dân đã sử dụng khoảng 75.600 tấn gạo, lượng gạo còn lại trong dân khoảng 54.704 tấn, đủ cung cấp cho 90 ngày. Trong khi tại Cục Dự trữ khu vực Đông Bắc số lượng dự trữ vẫn còn dồi dào.
Về gia cầm, hiện nay Hải Phòng có tổng đàn là 8,3 triệu con với sản lượng thịt hơn là 5.524 tấn, trong tháng 3 trên địa bàn thành phố dư khoảng 2.723,8 tấn. Sản lượng trứng gia cầm sản xuất là 31.039.000 quả, dư khoảng trên 11.000 quả trong tháng 3.
Về thủy sản, 1 tháng Hải Phòng khai thác và nuôi trồng được trên 14.000 tấn các loại, trong khi nhu cầu tiêu dùng hết khoảng 8 nghìn tấn, còn lại khoảng 6 nghìn tấn phục vụ cho thị trường các tỉnh và phục vụ cho xuất khẩu.
Riêng tháng 3, thu hoạch ước đạt khoảng 3.000 tấn, tương đương bình quân 200 tấn/ngày. Khả năng khai thác thủy sản tháng 3 là 8.000 tấn, tương đương bình quân 267 tấn/ngày. Như vậy bình quân 1 ngày khả năng tự cung cấp thủy sản trên địa bàn khoảng 467 tấn trong khi nhu cầu sử dụng thủy sản bình quân cho toàn thành phố 1 ngày khoảng 300 tấn…
Trong điều kiện bình thường, với năng lực sản xuất của Hải Phòng hiện nay về nông nghiệp, hoàn toàn đảm bảo để cung cấp cho thị trường thành phố về gạo, gia cầm, hải sản, thủy sản.
PV: Vậy còn thịt lợn thì như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Thép: Về thịt lợn, hiện tại ở Hải Phòng, đàn lợn đang có hơn 124.000 con, theo tính toán sẽ cung cấp được 70% lượng thịt lợn trên địa bàn. Riêng trong tháng 3 trên địa bàn thành phố còn thiếu khoảng 1.920,8 tấn thịt lợn hơi.
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 2 đơn vị làm dịch vụ trung chuyển thịt lợn là Trung tâm heo của C.P và Hợp tác xã Quang Thắng (Vĩnh Bảo). Hai đơn vị này cung cấp thịt lợn cho Hải Phòng và các tỉnh lân cận khoảng 1.050 con lợn/1 ngày. Với tổng đàn đang nuôi và 2 doanh nghiệp cung cấp trên thì đủ thịt lợn cung cấp cho Hải Phòng.
Ngoài ra, với sản lượng thịt gia cầm dồi dào, đang dư khoảng trên 2.700 tấn, điều này hoàn toàn có khả năng bù đắp sản lượng thịt trâu, bò, thịt lợn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố.
PV: Vậy còn trong tình hình nếu có dịch bệnh xảy ra thì như thế nào? Ngành Nông nghiệp của thành phố đã có những phương án gì để đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân tại các khu vực xảy ra dịch bệnh như khẳng định của lãnh đạo thành phố?
Ông Phạm Văn Thép: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, Sở NN-PTNT và Sở Công thương Hải Phòng đã làm việc với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn.
Có hơn 10 doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng nguyên tắc, cam kết cung cấp lương thực thực phẩm cho thành phố khi xảy ra dịch bệnh, thậm chí có doanh nghiệp còn cam kết khi có dịch, sẽ hạ giá từ 20-30% so với giá thị trường cho vùng dịch.
Cụ thể, qua kiểm tra, về gạo có 2 doanh nghiệp cam kết phục vụ cho thành phố trong điều kiện có dịch là Công ty CPTM Minh Khai và Công ty Lương thực Đông Bắc. Công ty Minh Khai hiện nay trong kho có khoảng 5.000 tấn gạo, còn công ty Đông Bắc khoảng 1.000 tấn.
Đây là hiện tại, tại kho chưa tính luân chuẩn, lưu chuyển hàng hóa từ các nơi về. Hai doanh nghiệp đã cam kết sẽ đồng hành cùng thành phố phục vụ phòng chống dịch khi thành phố có yêu cầu. Riêng Công ty CP thương mại Minh Khai, cam kết hỗ trợ 15 tấn gạo và giảm giá 30% so với giá thị trường cho vùng dịch.
Về rau xanh, 2 cơ sở là Hoàng Minh ở huyện An Dương và 1 cơ sở ở Thủy Nguyên cũng cam kết đảm bảo cung cấp rau cho thành phố với công suất khoảng 30 tấn rau/1 ngày khi dịch bệnh xảy ra.
Về thịt lợn, đã làm việc với 2 cơ sở giết mổ là Công ty Anh Phát và Công ty Vinh Phát. Sản lượng Công ty Anh Phát khoảng 200-300 con/1 ngày, tương đương với 20-30 tấn thịt/1 ngày; Công ty Vinh Phát, từ 10/4 dây chuyền mới bắt đầu hoạt động nhưng cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ đồng hành cùng thành phố, đảm bảo cung cấp thịt lợn khi thành phố cần, cam kết giảm giá 15-20% khi có dịch xảy ra và cung cấp đến tận nơi vùng dịch.
Về thịt gà thì Công ty giống gia cầm Lượng Huệ cam kết cung cấp nhu cầu về thịt gà. Riêng Lượng Huệ công suất khoảng 20 tấn/1 ngày. Về thủy sản, hiện nay Công ty chế biến thủy sản Hạ Long, hiện nay trong kho có 1.500 tấn thủy sản đông lạnh; Công ty thủy sản Minh Anh có 1.600 tấn thủy sản đông lạnh. Hai đơn vị này cam kết đồng hành cùng thành phố phục vụ các vùng dịch.
PV: Dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam số lượng ca nhiễm Covid-19 cũng gia tăng từng ngày, nhiều khả năng dịch bệnh sẽ còn kéo dài. Là thành phố lớn, dân số đông, nhu cầu lương thực thực phẩm lớn, với vai trò là chủ đạo trong việc sản xuất ra lương thực, thực phẩm, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã có những tính toán gì để đảm bảo nguồn cung cho người dân?
Ông Phạm Văn Thép: Hiện nay tình hình dịch đang có diễn biến phức tạp, dịch sẽ kéo dài không thể hết ngay, Sở NN-PTNT Hải Phòng cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để ứng phó.
Thứ nhất, hiện nay gần 32.000 ha trồng lúa sẽ phải tập trung chăm sóc, tập trung phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo lúa vụ xuân đảm bảo năng suất cao nhất.
Thứ 2, tập trung chỉ đạo tái đàn lợn, đàn lợn hiện nay của Hải Phòng hiện tại mới đạt xấp xỉ khoảng 40% số lượng đàn lợn trước khi có dịch châu Phi. Tuy nhiên, việc tái đàn cũng đã được cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện. Song song với tái đàn, cái quan trọng nhất là cần tập trung phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Làm sao để không phát sinh dịch bệnh là tốt nhất.
Thứ 3, tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao sản xuất cũng như chất lượng của các sản phẩm.
Thứ 4, tăng cường công tác kiểm tra kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để người dân có sản phẩm chất lượng, an toàn, đảm bảo để sử dụng. Tránh trường hợp lợi dụng dịch bệnh để tuồn hàng kém chất lượng, hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp không đảm bảo vào tiêu thụ trong thành phố.
Xin cám ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn