Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Biển Đông(Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN
Do vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã chỉ ra 2 nhóm vấn đề mà ngành thuỷ sản cần tập trung trong thời gian tới là nâng cao năng suất, giảm giá thành và đảm bảo không sử dụng hoá chất, kháng sinh để sản phẩm tôm, cá tra có thể vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đánh giá: "Qua nửa đầu năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD là điều đáng mừng, nhưng so với kế hoạch mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt ra cho ngành thuỷ sản là 10 tỷ USD thì nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là rất nặng nề và cần sự nỗ lực lớn của toàn ngành."
Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ ra, con tôm là mặt hàng tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Trong sản xuất, nuôi tôm, nửa đầu năm sản lượng mới đạt 258.000/743.000 tấn đặt ra cho cả năm.
"Điều này không đặt ra quá nhiều lo lắng bởi kinh nghiệm cho thấy, có những năm nửa đầu năm sản lượng tôm chỉ đạt 190.000 tấn, song cả năm vẫn đạt sản lượng đề ra. Tuy nhiên, đây cũng là điểm phải cố gắng”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.
Đối với con tôm, quan trọng nhất là phải "đi bằng hai chân": tập trung vào những phương thức nuôi tôm thâm canh, công nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng nhấn mạnh, hiện đã có rất nhiều mô hình làm tốt, có hiệu quả kinh tế cao, cần nhân rộng lên. Ngoài ra, cần phát triển nhân rộng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái. Hướng này gắn với tôm sú, là mặt hàng lợi thế của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt nguồn tôm giống. Đối với cá tra, ngoài kiểm soát tốt chất lượng con giống, điểm mấu chốt là quản lý tốt thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, nhất là xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, hiện con tôm vẫn là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu thuỷ sản và còn nhiều dư địa. Do đó, cần phải nghiên cứu thêm các đề tài về tôm càng xanh, công nghệ nuôi trồng, tổng kết lại các mô hình và nhân rộng cho bà con (tôm - lúa, tôm - rừng...). Đối với cá tra, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề con giống, công nghệ, chế biến, chuỗi ngành hàng khép kín. Đặc biệt, phải có giải pháp tránh tình trạng phát triển diện tích nuôi phá vỡ quy hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, 6 tháng tới nhiệm vụ đối với ngành là rất lớn, bởi thiên tai được dự báo là khốc liệt. Do đó, cần phải rà soát lại hạ tầng, cảng cá, khu neo đậu... để có kiến nghị khắc phục các bất cập. Đồng thời, đánh giá lại tổng thể năng lực, phương tiện tàu thuyền đánh bắt. Đặc biệt là đội tàu cá đóng theo Nghị định 67.
Bên cạnh đó, rà soát lại kết quả điều tra 5 ngư trường xem chỗ nào chưa chính xác, đánh giá về luồng cá di cư. Từ đó, đưa ra kịch bản bổ sung điều tra; cơ sở hoạch định, chiến lược phát triển khai thác thuỷ sản. Ngoài ra, rà soát lại năng lực chế biến, đặc biệt là khu vực khai thác; xem năng lực, công nghệ đến đâu. Ví dụ, như cá ngừ mới chỉ chế biến thô, trong khi dư địa còn rất lớn...
"Thị trường cũng cần phải làm một cách căn cơ, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, hiện đang tiêu thụ rất tốt và chưa có điểm dừng, nhưng có rất nhiều nguy cơ vì vẫn theo đường tiểu ngạch. Do đó, cần phải đẩy mạnh xúc tiến và tiến tới xuất khẩu chính ngạch", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, 6 tháng cuối năm, Tổng cục Thủy sản tập trung đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng ngành. Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản là trên 3,9 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu gần 6 triệu USD; trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản 2017; triển khai quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về khắc phục thẻ vàng IUU; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vi phạm quy định IUU; ngăn chặn các tàu các khai thác vùng biển nước ngoài…
Liên quan đến việc khắc phục "thẻ vàng" của EC, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới toàn bộ tàu cá cần phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình công nghệ vệ tinh. Đồng thời, coi đây là trách nhiệm nghề cá bền vững. Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng, ứng dụng công nghệ cao... và có thể chọn một địa phương để triển khai thí điểm.
"Qua các khuyến nghị của EC vừa qua, ngành thủy sản coi đó là cơ hội để rà soát lại toàn bộ kết quả đã triển khai, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai cho giai đoạn tới, kết hợp với nội dung mà Luật Thuỷ sản đã cụ thể hoá các khuyến nghị của EC", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay, thời gian tới, có thể sẽ chọn tỉnh Kiên Giang làm thí điểm chỉ đạo tổng thể tập trung khắc phục thẻ vàng, triển khai Luật Thủy sản.
"Dù Luật Thủy sản đã được Quốc hội thông qua, tiếp thu các khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU) và tư tưởng mới để đưa vào Luật. Thời gian sau khi công bố Luật, Tổng cục Thủy sản đã triển khai nhiều biện pháp để xây dựng văn bản dưới Luật. Tôi đề nghị nửa cuối năm phải tập trung, trước tháng 8 phải hoàn thiện để trình bộ, Chính phủ, ban hành với chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó là cần phối hợp với địa phương để triển khai, tập huấn, triển khai Luật Thủy sản", Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.
Tổng cục Thủy sản cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý chủ trương đầu tư thực hiện dự án Thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn 2 (khoảng 125 tỷ đồng) từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của bộ và đề xuất với Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí dự phòng ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện đầu tư nâng cấp một số cảng cá loại I nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của EC trong việc giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc và quản lý khai thác.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn