(VOV5) - Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng phát triển các mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc đẩy mạnh liên kết giữa nhà nước – doanh nghiệp, nhà khoa học và người sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Tại Thị xã Quảng Yên, mô hình này bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân cũng như phong trào xây dựng Nông thôn mới.
Dự án sản xuất rau an toàn trên địa bàn Thị xã Quảng Yên do Công ty cổ phần Việt Long triển khai đã áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến về giống rau, chất lượng an toàn thực phẩm và được sản xuất theo tiêu chuẩn mô hình Thực hành sản xuất nông nghiệp tôt (VietGap). Trong năm 2012, Công ty đã triển khai trên 10 ha, đến năm 2013 mở rộng dự án gần 32 ha. Để phục vụ dự án Công ty đã đầu tư xây dựng 1.500 mét đường giao thông nội đồng, 3 ha nhà lưới, nhà sơ chế, khu sản xuất giống rau, mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau cho nông dân. Bà Đặng Thị Dung, ở phường Cộng Hòa, Thị xã Quảng Yên, cho biết, với kỹ thuật sản xuất tiên tiến cùng việc áp dụng nhiều giống rau mới như: cải làn, ngô Nhật Bản, cà tím, bí xanh không hạt, cà chua bi… nên chất lượng rau được nâng cao rõ rệt, mang lại giá trị cao cho người trồng. Bà Đặng Thị Dung cho biết: “Từ lúc Công ty Việt Long áp dụng kỹ thuật về xã thì tôi thấy có nhiều thay đổi từ người lao động, con giống, phun thuốc đều thay đổi hoàn toàn. Trồng theo công nghệ này đảm bảo về an toàn, không có thuốc sâu nhiều, ở đây phải có hướng dẫn, bắt đầu cho phun thì mới được phun. Đầu ra cũng đảm bảo hơn, trồng đến đâu bán đến đấy. Thu nhập hàng tháng chúng tôi thì đều đặn và đảm bảo”.
Hiện nay, dự án đang thực hiện thí điểm tại khu vực phường Cộng Hoà và sau đó sẽ nhân rộng ra trên địa bàn xã Quảng Yên và một số huyện khác. Để đảm bảo chất lượng, Công ty phối hợp với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện Khoa học Nông nghiệp để chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo yêu cầu chất lượng phục vụ sản xuất rau an toàn; quá trình sơ chế, đóng gói được kiểm tra kỹ lưỡng, thường xuyên. Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Việt Long, cho biết trên địa bàn phường Cộng Hòa có gần 50% hộ dân tham gia dự án và số lượng ngày càng tăng. Dự án thành công sẽ tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân ngay trên quê hương mình, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Việt Long, cho biết: “Tôi xác định doanh nghiệp phải làm ra đủ điều kiện để xuất khẩu đã, không thể ép bà con làm được. Khi mà đủ điều kiện xuất khẩu, khi mà làm ra có giá trị kinh tế cao và bà con nhìn thấy thế thì bà con sẽ làm theo mình. Tôi nghĩ bà con phải tự nguyện làm theo thì mới lâu bền mà sự tự nguyện có chỉ khi bà con thấy được có lợi ích. Vậy thì doanh nghiệp phải làm trước để thấy rằng có lợi ích cho bà con”.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh xác định vai trò người dân là chủ thể, bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp đã đồng hành trong việc phối hợp với các địa phương để xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng liên kết 4 nhà góp phần phát triển sản xuất bền vững. Nhận xét về vai trò của các mô hình theo hướng liên kết này, ông Trương Công Ngàn, Trưởng Ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: “Có những doanh nghiệp thì tiêu thụ sản phẩm, các nông sản mà người nông dân sản xuất ra, tất cả những điển hình đó đều đã xuất hiện. Chúng tôi muốn lấy đó làm hạt nhân để tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng tạo thành phong trào xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh và đó chính là động cơ, động lực để thực hiện cuộc cách mạng trong xây dựng nông thôn mới với vai trò toàn xã hội chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Thành công bước đầu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh đó là tạo ra phong trào thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu của người dân, trong đó có đóng góp quan trọng của nhiều doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Theo: vovworld.vn