(TTH) - Đến Thủy Thanh (Hương Thủy) chúng tôi ấn tượng với những con đường bê tông trải dài sạch bóng, tinh tươm. Đó là thành quả sau một thời gian chính quyền cùng Nhân dân áp dụng mô hình thu gom rác thải.
Ông Nguyễn Quang Uyển, Trưởng thôn Thanh Thủy Chánh nhớ, sau trận lụt lịch sử năm 1999, ở trên địa bàn xã đón nhận một lượng rác thải khổng lồ từ khắp nơi đổ về, khiến môi trường bị ô nhiễm và người dân bất tiện trong sinh hoạt. Dịch bệnh xảy ra trên diện rộng vì ô nhiễm môi trường. Thấy vậy, ông tiến hành vận động người dân đóng góp kinh phí thuê xe kéo cùng những dụng cụ cần thiết để thu gom, tập kết rác thải ngay tại chỗ. Dần dà, một mô hình nhỏ thu gom rác thải được ông triển khai, Thanh Thủy Chánh trở thành thôn đầu tiên trên địa bàn xã có mô hình này.
Năm 1999, tui đi từng hộ gia đình để vận động kinh phí. Thông qua các buổi họp thôn, họp hội nông dân, tui tổ chức tuyên truyền, đả thông tư tưởng của bà con để nâng cao ý thức. Sau nhiều năm, bây giờ, ý thức bà con được nâng lên rõ rệt, không ai vứt rác bừa bãi nữa”, ông Uyển chia sẻ. “Trước đây không có thùng rác, chừ thùng rác cách nhà chỉ vài bước chân nên ai cũng bỏ rác vào thùng đàng hoàng, nghiêm túc, không vứt lung tung nữa”, bà Nguyễn Thị Bồng (64 tuổi), người dân thôn Thanh Thủy Chánh nói.
Thủy Thanh có 5 thôn với 1.265 hộ dân, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hàng ngày, lượng rác trong xã thải ra môi trường rất lớn, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan thôn xóm. Vùng đất ven đô này mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách du lịch, do vậy vấn đề môi trường cần được đảm bảo. Thực hiện đề án của UBND thị xã Hương Thủy, được sự hỗ trợ về kinh phí của Hội Nông dân Việt Nam và Hội Chữ Thập đỏ Đức, hiện ngoài thôn Thanh Thủy Chánh, tất cả các thôn còn lại trên địa bàn xã đều được đầu tư, hỗ trợ ứng dụng mô hình thu gom rác thải. Chính điều này một phần giúp Thủy Thanh khoác lên mình chiếc áo mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tiến tới xây dựng nông thôn mới.
“Thôn Thanh Thủy Chánh là địa điểm du lịch nên mô hình thu gom rác thải được bà con triển khai từ rất sớm. Năm 2012, Hội Chữ thập đỏ Đức hỗ trợ 200 triệu đồng đầu tư mua sắm 54 thùng đựng rác và 3 chiếc xe đẩy tay tại 2 thôn Lang Xá Bàu, Lang Xá Cồn và Thanh Thủy Chánh. Sau đó, Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ thêm 100 triệu đồng mua 48 thùng đựng rác và 4 chiếc xe đẩy cho 2 thôn còn lại. Ý thức được vấn đề môi trường rất quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nên chính quyền kết hợp cùng người dân tích cực triển khai mô hình này. Đến nay, mô hình được triển khai trên toàn xã và mang lại kết quả cao”, ông Nguyễn Ích Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho biết.
Để mô hình áp dụng được hiệu quả, bền vững, lâu dài, Hội Nông dân xã trực tiếp thực hiện mô hình, thành lập các tổ thu gom ở Hợp tác xã nông nghiệp 1 và Hợp tác xã Nông nghiệp 2. Mỗi tổ thu gom có 4 đến 5 thành viên. Cứ 2 ngày, các thành viên tổ thu gom dùng xe đẩy đi khắp xã để gom rác đưa về tập kết tại các xuồng lớn đặt ở những vị trí trung tâm. Ông Ánh chia sẻ: “Vì người dân chủ yếu làm nông nên chúng tôi thu lệ phí theo mùa vụ, mỗi năm 2 lần. Tính ra, trung bình mỗi hộ đóng từ 10 đến 12 nghìn đồng/tháng. Số tiền này dùng để trả lương cho các thành viên trong tổ thu gom với mức 1,5 triệu đồng/người/tháng”.
Theo: baothuathienhue.vn