Chúng tôi đến thăm vườn cam V2 của gia đình ông Hoàng Văn Chất ở bản Củ 2, khi được tận mắt “mục sở thị” vườn cam rộng hơn 2ha ngay sau căn nhà kiến cố, cũng được xây dựng từ tiền bán cam mấy năm trước của ông, chúng tôi thấy cây nào, cây nấy quả sai lủng lẳng.
Chỉ vào một cây cam V2 sai trĩu quả, ông Chất nói bông đùa rằng: “Anh đã thấy vườn cam nào cho quả to và đều như này chưa? Có được vườn cam như thế này là cả một quá trình lao động vất vả và sáng tạo đấy. Muốn vườn cam phát triển tốt, cho qua nhiều và chất lượng thì phải trồng theo khoảng cách hợp lý. Vườn cam nhà tôi, cây cách cây 3m, hàng cách hàng 3m. Làm được như vậy thì cây nào cũng sai trĩu quả, năm nào cũng có sản phẩm bán”.
Ông Hoàng Văn Chất cho biết: "Cam V2 là giống cam chín muộn nên bán được giá cao, vào thời điểm cây chín kéo dài đến tháng 4 dương lịch".
Cam V2 là giống cam chín muộn và ngon nên giá có thể lên tới 40.000 đồng/kg. Giống V2 thường chín vào tháng 11 đến tháng 1 âm lịch, khi ấy cam lòng vàng đã hết mùa nên giá cam V2 cao. Các hộ trồng cam nên biết cách xen canh giữa giống lòng vàng và giống V2 thì vụ cam có thể kéo dài tới tháng 4 dương lịch. Đặc biệt là sẽ tăng thêm nguồn thu nhập cao hơn cho người trồng.
Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm trong trồng trọt, vườn cam V2 của ông Hoàng Văn Chất đều sai quả.
Chia sẻ bí quyết trồng cam V2, ông Chất nói: “Tôi thường dùng phân trâu, phân bò để bón cho cam và bón làm nhiều lần trong năm, đảm bảo cân đối giữa các thời kỳ, giúp cho cây cam sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài bón phân, tôi thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Vào thời kỳ cam ra quả non, thường xuất hiện loại nhện đỏ phá hoại nên tuyệt đối không được lơ là. Khi phát hiện nhện đỏ tấn công là phải diệt trừ ngay và phải sử dụng đúng thuốc... Có như vậy vườn cam mới phát triển tốt, cho nhiều quả được...”
Nhờ trồng cam V2 mà ông Hoàng Văn Chất đã có 1 cơ cơi khang trang và sắm sửa được xe hơi tiền tỷ.
Cũng theo ông Chất, trồng cam V2 chỉ vất vả những năm đầu. Khi mới trồng thì việc chăm sóc vườn cam không khác nào chăm con mọn. Bởi khi đó cây còn nhỏ, sức đề kháng kém nên mất nhiều công chăm bón, làm cỏ. Đất trồng cam phải đảm bảo tơi xốp, đủ ẩm, bón phân đúng kỹ thuật và phải có rãnh thoát để chống úng kịp thời, không để cho cây cam bị xói mòn gốc.
Trong quá trình chăm sóc cần nắm rõ quy trình sâu bệnh và thay đổi lá trên cây vào các tháng trong mùa. Muốn cam đạt chất lượng tốt, quả đẹp, thời điểm đầu vụ, người trồng phải biết can thiệp vào quá trình ra lộc hoa của cây, biết cách tỉa hoa, tỉa cành, tạo tán để cam ra hoa đúng thời điểm.
Cây cam cho nhiều quả, ông Chất phải dùng cây gỗ để trống đỡ. Việc làm này sẽ giúp cây không bị gãy cành.
Ông Hoàng Văn Chất là người tiên phong trong việc đưa giống cam V2 về trồng phát triển kinh tế ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.
Khác với nhiều hộ trồng cam V2 ở xã Chiềng Ban, ông Chất không đổ buôn cho thương lái mà bán lẻ cho khách thập phương. Ông Chất có lợi thế là nhà ngay Trung tâm xã và gần đường QL 4G đi huyện Sông Mã, TP. Sơn La, huyện Mai Sơn nên rất thuận tiện cho việc bán cam. Vào vụ cam, ngày nào ông cũng hái để bán cho các tiểu thương đã đặt hàng.
Hiện cam V2 ông Chất bán tạii vườn với dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
“Trồng cam V2 (cam chín muộn) cho hiệu quả kinh tế cao gấp chục lần so với trồng ngô. Vườn cam của gia đình tôi rộng hơn 2ha. Với 2.000 cây đã bước sang tuổi thứ 6. Nhiều đoàn đến tham quan học hỏi kinh nghiệm, nhìn vườn cam ngút tầm mắt, cành nào cũng sai trĩu quả, ai cũng trầm trồ khen ngợi và không muốn quay ra.
Cam chín muộn có vỏ bên ngoài vàng hoe, ngọt lịm, được khách hàng ưa chuộng, chỉ bán lẻ thôi mà có ngày tôi bán được cả tấn cam. Tôi bán lẻ với giá dao động từ 25 – 30.000 đồng/kg. Mấy năm gần đây, vụ cam nào tôi cũng thu trên 400 triệu đồng.” – ông Hoàng Văn Chất cho biết thêm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn