Trước đây, câu tục ngữ "thả hổ về rừng" được coi như là hành động dại dột, nối giáo cho giặc. Ngày nay, khi vấn đề bảo vệ môi trường trở thành quan trọng bậc nhất của nhân loại, "thả hổ về rừng" được hoan nghênh và nhiều nước đã làm như thế với nhiều công phu và tốn kém tiền bạc.
Con người được tạm công nhận là thông minh nhất, là chúa tể muôn loài, có thể dùng một số loài khác làm thức ăn cho mình, nhiều nhất là cá và sau đó là các vật nuôi. Nhưng không phải vì thế mà có quyền tận diệt các loài khác để chiếm vị trí độc tôn hoặc thỏa mãn nhu cầu vô hạn độ hoặc lãng phí. Điều đó, trước hết làm suy thoái và cuối cùng là hủy hoại chính cuộc sống của con người. Nếu không suy nghĩ mà tận diệt "bạn đồng hành", phá vỡ "chuỗi thức ăn" hình thành trong thiên nhiên hàng triệu năm, hậu quả là chính con người bị tiêu diệt...
Con người sẽ sống bằng gì, thở bằng gì nếu chặt phá hết rừng, giết hết động vật rừng, động vật biển, cá mú trong sông ngòi để làm thức ăn hoặc nhiều khi chỉ để làm đồ trang sức? Cho nên tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường là đòi hỏi cấp thiết không thể bàn cãi và cũng không có khả năng bàn cãi.
Không quá bi quan khi có những dự báo kinh hoàng. Ví dụ đã có cảnh báo khoảng 50 năm nữa, biển sẽ hết cá. Điều này có thể đúng hay sai, nhưng thảm họa cuối con đường thì đã thấy rõ. Ngay ở nước ta, cá đồng ở đồng bằng Bắc Bộ đã bị tận diệt vì săn bắt hay vì sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Đến lượt đồng bằng sông Cửu Long - nơi vẫn được coi là tài nguyên cá không bao giờ cạn, nay đang ở mức suy thoái nguy hiểm. Nếu chúng ta không thay đổi hành vi, thói quen và nhận thức, cứ "ăn" cho đã thì cái chết của chính chúng ta cũng đã được báo trước.
Hành động của An Giang thật đáng hoan nghênh. Ăn quả không chỉ phải nhớ kẻ trồng cây mà còn phải tiếp tục, không ngừng trồng cây thì mới có quả mà ăn!
Sưu tầm; Đào Viết Hùng
Nguồn:danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn