Với vai trò chủ thể, tính đến tháng 2-2013, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp tới 1.983,14 tỷ đồng (chiếm 26,19% tổng nguồn lực, bao gồm cả ngày công lao động, hiến đất, tiền của) cho “dự án tương lai”. Dân chủ, công khai và có cơ chế huy động hợp lý là cách làm hiệu quả từ nhiều địa phương, nhờ đó mức đóng góp của người dân chiếm tỷ lệ cao trong tổng kinh phí thực hiện. Điển hình như huyện Hoằng Hóa đã huy động được 230 tỷ đồng, Thọ Xuân 173 tỷ đồng, Thiệu Hóa 136 tỷ đồng, Như Thanh 135 tỷ đồng, Hà Trung 116,6 tỷ đồng; các xã Quý Lộc được hơn 24 tỷ đồng, Thiệu Trung 19,294 tỷ đồng, Nga An 13,48 tỷ đồng, Xuân Du 10,693 tỷ đồng... Bài học từ “lòng dân”, “sức dân”, “lợi dân” là luôn đúng với mọi hoàn cảnh, ở mọi thời điểm và cũng nhờ đó mới góp thành “sức nước” mạnh mẽ để đẩy thuyền về “bến” NTM.
Mặc dù là xã điểm XDNTM của huyện Như Thanh, song khởi điểm của xã Yên Thọ là khá khiêm tốn. Để hoàn thành 19 TC vào năm 2014, địa phương này xác định “huy động nguồn lực là điểm mấu chốt”. Từ đó, trong tổng giá trị 44,236 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình đến thời điểm hiện tại thì nguồn vốn đóng góp của nhân dân lên đến 35,642 tỷ đồng. Điển hình là việc huy động vốn làm đường giao thông, mức đóng góp lên đến 850 ngàn đồng đến 1,3 triệu đồng/khẩu.
Cũng như xã Yên Thọ, xã Cán Khê chọn làm đường giao thông nông thôn là mục tiêu trọng tâm, góp phần tạo dựng “bộ mặt NTM”. Cũng với mức đóng góp khá lớn, từ 400 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/người, khác chăng là địa phương có 1.300 hộ, 5.489 khẩu mà số hộ nghèo chiếm tới 51%, hộ cận nghèo là 16,8%. Còn 14 TC phải hoàn thành – đa phần là những TC cần kinh phí lớn – sau khi cân, đo các nguồn lực, nhẩm tính lại, xã này còn cần đến 170 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của dân thì “may ra” mới xây dựng xong NTM. 170 tỷ đồng/5.489 khẩu (bao gồm cả hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng yếu thế), phép tính không dễ chia với một xã miền núi nghèo.
Một trong những bất cập khi triển khai XDNTM là người dân không được, ít được hoặc không thể tham gia ở khâu đầu tiên là xây dựng quy hoạch. Để rồi có không ít đề án, quy hoạch NTM khá to đẹp, cần nguồn kinh phí lớn, đến khi bắt tay thực hiện mới “hoa mắt”, “chóng mặt”. Với các xã có xuất phát điểm cao như Quý Lộc, Thiệu Trung, Minh Dân hay Nga An thì sự chia sẻ của người dân luôn là thế mạnh, nhưng với xã nghèo như Cán Khê hay nhiều xã miền núi, miền biển khác, “cái gánh” ấy trở nên quá sức với khả năng của địa phương, nhất là với sức đóng góp của người dân.
Điện hóa nông thôn, cứng hóa đường sá, kiên cố hóa trường lớp học, hiện đại hóa y tế cơ sở... những phong trào từng có sự tham gia đóng góp của nhân dân. Rồi thì đủ loại thuế, phí, quỹ mà người nông dân phải đóng góp chỉ là những “lát cắt mỏng” về thực trạng lạm thu ở nông thôn. Khi mà sức dân chưa kịp “hồi”, nếu huy động XDNTM theo kiểu “bổ đầu, tận thu” sẽ càng khiến cho hạt thóc cứu cánh của người nông dân trở nên còm cõi, mặn chát. Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh Thanh Hóa, thường trực ban chỉ đạo chương trình đã thẳng thắn nhìn nhận: “nhiều địa phương chưa thực hiện đúng quy chế dân chủ cơ sở, chưa tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, một số nơi áp dụng máy móc, hành chính, xơ cứng, thiếu linh hoạt trong huy động nguồn lực của nhân dân”. Thiết nghĩ, đặt người nông dân ở vị trí trung tâm - chủ thể của quá trình XDNTM, song đó phải là trung tâm của sự tác động, cần sự tác động để giải quyết yêu cầu bức xúc nhất là cải thiện, nâng cao đời sống, thay vì trước hết yêu cầu họ đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hoàn thành 19 TC sẽ là NTM? NTM gắn với làng, xã văn minh, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; bản sắc văn hóa được gìn giữ và phát triển; đồng thời, nó phải mang đến sự thỏa mãn, hài lòng cũng như quyền và khả năng làm chủ cho người nông dân. Hẳn không ít người chắc rằng, với những xã đã hoàn thành 19 TC, người dân đang yên trí mà thụ hưởng những thành quả của NTM. Nhưng sẽ không nhiều người biết, đạt được đã khó, giữ và phát huy được lại càng khó, không những thế, cái khó ấy hiện còn đi liền với nỗi lo nợ nần mà có lẽ sau NTM, người dân lại tiếp tục... chia để trả.
Là mục tiêu có tính chiến lược và lâu dài, XDNTM cũng ví như cuộc chạy ma-ra-tông cần có sức bền. Để bền sức và cán đích an toàn, thay vì “khoan” kiệt, phải biết khoan thư sức dân. Để xây dựng thành công NTM, cần nắm vững “3 mũi giáp công”, gồm: phát triển sản xuất, phát huy dân chủ và công tác cán bộ mới có thể giúp các địa phương giương cờ thắng. Giá trị liên hoàn có được từ nền sản xuất phát triển là cơ sở nền tảng, đồng thời là động lực để quá trình XDNTM đạt được kết quả vững chắc. Đặc biệt, đời sống, thu nhập của người dân được nâng lên thì việc huy động sức dân hay thực thi quy chế dân chủ càng thuận lợi.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn