Tuy nhiên, tỷ lệ tăng dân số cao, việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các dự án đang tạo ra sức ép không nhỏ đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền cần có những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục tình trạng lao động nông thôn thất nghiệp hiện nay.
Mô hình nuôi chim bồ câu mang lại giá trị kinh tế cao tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn |
Những năm qua, chủ trương thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ của lãnh đạo Huyện Sóc Sơn đã bước đầu phát huy hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động và yêu cầu của thị trường. Nhờ vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện, số lao động được giải quyết hàng năm tăng.
Tuy nhiên, việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại huyện Sóc Sơn vẫn còn tồn tại, hạn chế: tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp khá cao, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tương đối thấp. Chất lượng lao động của huyện chưa được đảm bảo; tác phong, ý thức trong quá trình làm việc còn kém, năng suất lao động thấp. Trình độ, chuyên môn của người lao động còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng… Bên cạnh đó, việc tiếp cận, vay vốn giải quyết việc làm còn khá khó khăn, thủ tục phức tạp… đó là những rào cản không nhỏ khiến tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn huyện những năm gần đây khá cao.
Năm 2017 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XI huyện Sóc Sơn, đây là tiền đề để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ này. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện Sóc Sơn đã xác định 3 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó có nhóm giải pháp đẩy mạnh đào tạo nghề, khuyến công - khuyến nông nhằm tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên, muốn giảm sức ép về nhu cầu giải quyết việc làm thì điều tiên quyết cần tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ việc làm; chú trọng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động. Có chính sách tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, tạo việc làm, hỗ trợ học nghề, nhất là đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Mặt khác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là yêu cầy rất bức thiết hiện nay. Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tổ chức đào tạo lao động hoặc đặt hàng với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu.
Một giải pháp khác cũng được huyện tính đến là đẩy mạnh xuất khẩu lao động thông qua tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước; Lựa chọn những công ty, doanh nghiệp uy tín, đủ tư cách pháp nhân và đựơc phép tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ đó, có chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động như: Hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, hỗ trợ vay vốn .
Đặc biệt, cần kết hợp hài hòa giữa việc thu hồi đất nông nghiệp của nông dân với việc chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa, dựa vào thế mạnh của từng vùng để phát triển sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, quy mô lớn như: bò thịt chất lượng cao, gà đồi Sóc Sơn; rau hữu cơ Sóc Sơn; cây ăn quả; chè sạch, lúa chất lượng cao; cây dược liệu và một số cây trồng thế mạnh khác.
Quy hoạch, phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng bền vững. Ngoài ra, cũng cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng trong sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ, tích cực hỗ trợ nông dân về vốn, kiến thức, thị trường để nông dân có thể sản xuất những mặt hàng theo nhu cầu của thị trường, vừa đáp ứng nhu cầu lao động tại chỗ, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây cũng là một trong những giải pháp tích cực góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn hiện nay.
http://kinhtedothi.vn/