Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi
Sau ba năm thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng tiến độ còn quá chậm so với yêu cầu đề ra. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 50% số xã đạt tiêu chí NTM gần như không thể...
Kết quả bước đầu
Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HÐND và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và văn bản quan trọng, kịp thời chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Ðồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo, quản lý và sớm mở các lớp tập huấn phổ biến về chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và của tỉnh đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM. Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị thực hiện, tỉnh đã hoàn thành công tác khảo sát thực trạng nông thôn, làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện chương trình. Các huyện đã tích cực lập quy hoạch xây dựng NTM cấp xã, và phần lớn các xã đã tổ chức công bố quy hoạch kết hợp việc phát động phong trào "Chung sức xây dựng NTM".
Sau ba năm thực hiện chương trình, số lượng tiêu chí tăng thêm ở mỗi xã đạt bình quân 2,4 tiêu chí/xã. Một số xã lượng tiêu chí NTM tăng nhanh, như Bình Dương tăng chín tiêu chí (đạt 16/19 tiêu chí), Phổ Vinh tăng bảy tiêu chí (đạt 13/19 tiêu chí), Tịnh Trà, Hành Nhân tăng bảy tiêu chí (đạt 12/19 tiêu chí), Sơn Thành tăng tám tiêu chí (đạt 9/19 tiêu chí).
Chủ tịch UBND xã Bình Dương, huyện Bình Sơn Lê Minh Chính phấn khởi cho biết, thời gian qua, xã đã huy động hơn 30 tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM, trong đó có người đóng góp 20 tỷ đồng xây dựng một chợ trung tâm, một bờ kè chống sạt lở ven sông, một cầu vượt sông Trà Bồng kiên cố và một công viên mi-ni. Diện mạo nông thôn của xã nhờ vậy đã khởi sắc hẳn lên. Mặt khác, xã cũng đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 197/356 ha đất lúa và hoa màu, chiếm 55,3% diện tích sản xuất với kinh phí 1,26 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Năm 2013, xã cũng bê-tông hóa bảy tuyến đường dài hơn 3,9 km, ba tuyến kênh dài gần 2,2 km, xây mới 14 phòng học mầm non, tiểu học cùng một số hạng mục công trình khác với tổng vốn đầu tư khoảng 18 tỷ đồng.
Những bất cập và giải pháp khắc phục
Quảng Ngãi là tỉnh có địa hình phức tạp, trong đó có 60 xã của các huyện miền núi thuộc Chương trình 30a. Dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đất canh tác rải rác, cho nên khó quy hoạch dân cư thành xóm tập trung, khó bố trí khu trung tâm xã để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, lấy đất đủ diện tích cho các công trình để đạt theo tiêu chí về xây dựng NTM cũng như quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật: điện, nước sinh hoạt, giao thông, thủy lợi... Ðây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các tiêu chí NTM. Phó Trưởng ban Ðiều phối Chương trình xây dựng NTM của tỉnh Quảng Ngãi Lê Văn Dương cho biết, mấu chốt thực hiện thành công chương trình chính là vấn đề huy động nguồn lực, nhất là nguồn vốn đầu tư. Sau ba năm thực hiện, bình quân trên địa bàn tỉnh chỉ mới đạt sáu tiêu chí/xã là quá thấp. Mặc dù Quảng Ngãi là một trong 13 tỉnh có nguồn thu lớn, nhưng mức đầu tư cho xây dựng NTM thời gian qua vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Năm 2013, thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, nhưng đầu tư cho xây dựng NTM vẫn ở mức thấp, đạt 115 tỷ đồng. Năm 2014, dự kiến tổng các nguồn thu đầu tư cho chương trình xây dựng NTM tăng lên đáng kể, đạt khoảng 400 tỷ đồng.
Cũng theo ông Dương, chương trình xây dựng NTM của tỉnh Quảng Ngãi đạt hiệu quả thấp. Có xã đến thời điểm hiện tại chỉ đạt một tiêu chí về an ninh trật tự. Chính vì vậy, năm 2014, tỉnh tập trung đầu tư nguồn vốn vào các xã có nguồn lực để về đích. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 20% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015 là rất khó, còn mục tiêu 50% số xã vào năm 2020 thì gần như là nhiệm vụ "bất khả thi".
Nguyên nhân khiến chương trình xây dựng NTM của tỉnh Quảng Ngãi đạt hiệu quả thấp một phần là do vẫn còn một bộ phận cán bộ các cấp chưa thật sự quán triệt nguyên tắc chỉ đạo thực hiện chương trình, có tư tưởng trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước. Hình thức tuyên truyền về xây dựng NTM chưa phong phú, đa dạng. Nội dung tuyên truyền chưa thật sự đi vào nhận thức của nhân dân. Mặt khác, công tác hỗ trợ phát triển sản xuất chủ yếu tập trung vào các mô hình khuyến nông mang tính phổ biến, rất ít mô hình mới có tính đột phá về kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ có hiệu quả. Nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của các địa phương lớn, song kinh phí hỗ trợ từ ngân sách các cấp hạn chế, cho nên đã phần nào gây tâm lý hoài nghi của người dân về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình.
Ðể có thể về đích vào năm 2015 với 20% số xã đạt chuẩn NTM, ngay từ bây giờ các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện, rà soát thực trạng và nhu cầu đầu tư ở từng xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Trên cơ sở đó xác định nhu cầu đầu tư cụ thể của 33 xã trong diện quy hoạch điểm NTM để có mức đầu tư hợp lý. Mặt khác, UBND tỉnh cần sớm ban hành cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng NTM; tăng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh cho Chương trình xây dựng NTM hằng năm để tăng nguồn lực đầu tư thực hiện. Bên cạnh đó cần bố trí một phần vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh đến các xã không thuộc nhóm 33 xã để kích thích sự chuyển biến ở những xã còn lại, tạo phong trào chung của cả tỉnh về xây dựng NTM trong thời gian tới. Làm được như vậy mới có thể đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 50% số xã đạt chuẩn NTM.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn