Tùy theo đặc điểm tình hình, mỗi địa phương đều có cách làm riêng, song cái chung nhất mà các vùng quê ở Hậu Giang đạt được hôm nay chính là sự văn minh, no ấm và bình yên đang hiện hữu trong mỗi ngôi nhà, ở từng xóm, ấp.
Dân vận là chìa khóa thành công
Có dịp về xã NTM Đại Thành, nhiều người không khỏi bất ngờ trước những thay đổi, sự chuyển mình mạnh mẽ của bộ mặt nông thôn. Những con đường sạch sẽ được trải bê tông từ chính sự đóng góp của người dân, một bên là những hàng rào thẳng tắp bao bọc những vườn cây trái trĩu quả, một bên là hệ thống cây xanh, cây cảnh tô điểm dẫn lối vào nhà.
Dọc theo một số trục đường chính của xã dễ dàng nhận thấy các công trình như: điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa ấp,… đều được hoàn thiện khang trang, sạch đẹp...
Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, nhớ lại: Khi mới lập Đề án quy hoạch NTM (năm 2011), Đại Thành mới hoàn thành 2 tiêu chí (văn hóa và an ninh trật tự). Tuy nhiên, từ khi địa phương bắt tay vào công cuộc xây dựng NTM, quê hương Đại Thành khác hẳn, xóm làng như mở hội, nhà nhà tràn ngập niềm vui, tiếng cười rộn rã.
Kinh tế hộ đi lên nhờ cây cam sành. Nhà nào cũng làm ăn phát đạt và hạnh phúc với niềm vui chung khi xã nhà đã hoàn thành xã NTM sau 3 năm bà con cùng chung tay, góp sức với Đảng bộ, chính quyền xây dựng nên. Đây là niềm vui khởi đầu, là động lực cho nhân dân tiếp tục “Chung tay xây dựng NTM” ở những năm tiếp theo. Thành quả hôm nay, đó chính là sức mạnh tổng hợp của ý Đảng lòng dân.
Đại Thành quan tâm phát triển vườn cam sành
Còn xã Vị Thanh, do còn nhà văn hóa đang xây dựng dở dang nên dự kiến sẽ được công nhận đạt chuẩn NTM vào quý I năm nay. Gặp chúng tôi, ông Huỳnh Văn Trắng, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã đã xác định, muốn phong trào xây dựng NTM đạt kết quả cao thì cần có sự đồng thuận của nhân dân. Với nhận thức “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, từ đó, địa phương luôn xác định công tác tuyên truyền dân vận là chìa khóa mở cho cánh cửa thành công”.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân trong xã không chỉ đóng góp bằng ngày công lao động mà còn hiến đất cho các công trình công cộng, các ấp trong xã còn dấy lên phong trào thi đua góp sức xây dựng NTM. Tinh thần đồng lòng của người dân đã khiến cho những con đường được mở rộng, tạo nên bộ mặt của làng quê ngày thêm bừng sáng.
Kinh tế phát triển
Trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương đều nhận thức được rằng, cái đích cuối cùng mà chương trình muốn hướng tới là thay đổi cơ cấu nông nghiệp, nâng cao mức sống cho bà con nông thôn và vấn đề này đang hiện hữu rõ nét. Từ chỗ người dân chỉ biết quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì nay bên cạnh cây lúa, bà con còn biết kết hợp mô hình làm kinh tế mới, chuyển đổi vật nuôi cây trồng, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Tại xã Đại Thành, nơi mà cây cam sành hiện chiếm phần lớn diện tích và đang phát triển trong những năm gần đây. Do cam sành cho thu nhập cao, nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả và vườn tạp sang trồng cam sành. Hiện, thu nhập bình quân 1 ha cam sành đạt 170 triệu đồng/năm, cao gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa.
Nhờ cam sành mà nhiều hộ từ trung bình khá vươn lên làm giàu, hiện toàn xã có 18 hộ thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên mỗi năm, 110 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, 450 hộ thu nhập từ 100 đến dưới 500 triệu đồng. Qua đó, góp phần nâng mức thu nhập bình quân của xã đạt 23,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,48%.
Gia đình bà Dương Thị Ny, ấp Sơn Phú, là một trong những hộ đăng ký thoát nghèo bền vững từ việc cải tạo vườn tạp để trồng cam sành chia sẻ: “Sống trong xã NTM mà còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì biết đến bao giờ mới tiến bộ được. Vì vậy gia đình tôi mạnh dạn làm đơn xin vay vốn để trồng cam sành, Tết này vườn cam đã bắt đầu cho thu hoạch. Thu nhập vụ đầu chưa nhiều nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. Sang những vụ sau, khi cây cam đã cho trái thì chắc chắc đời sống sẽ khá lên”.
Học sinh đi lại dễ dàng trên những con đường mới ở Hậu Giang
Ngoài chủ lực là cây cam sành, Đại Thành còn diện tích cá tra thả nuôi 16,23 ha, cho sản lượng thu hoạch 4.382 tấn/năm. Xã có 2 HTX và 9 tổ kinh tế hợp tác làm ăn có hiệu quả.
Nếu như Đại Thành quan tâm phát triển vườn cam sành thì xã Vị Thanh cũng xây dựng thành công mô hình cánh đồng mẫu, với diện tích 394 ha. Được đầu tư hệ thống đê bao khép kín, nông dân được chuyển giao khoa học công nghệ mới nên ước tính mức chi phí thấp hơn từ 2-3 triệu đồng/ha so với người dân bên ngoài.
Bên cạnh mô hình cánh đồng mẫu, hiện người dân Vị Thanh đang đẩy mạnh việc chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi đạt hiệu quả, điển hình là mô hình trồng dừa dứa, dừa xiêm lùn, mô hình kết hợp lúa - cá,… Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của xã Vị Thanh đạt 23,9 triệu đồng/người/năm, tăng 7 triệu đồng so với năm 2011.
Ông Huỳnh Chí Nguyện, PGĐ Sở NN-PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Sau 3 năm thực hiện Đề án xây dựng xã NTM, giờ đây chính quyền địa phương và toàn thể người dân xã Đại Thành đang cùng chung niềm vui tận hưởng thành quả NTM với 19 tiêu chí đã hoàn thành. Và không lâu nữa, người dân xã Vị Thanh, Tân Tiến cũng được nếm trải niềm hạnh phúc này.
Có thể nói, NTM đã mở ra hướng phát triển cho bà con nông dân vùng quê, khi các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại về trồng trọt, chăn nuôi thường xuyên được cán bộ xã cập nhật thông qua các buổi tập huấn, bồi dưỡng, kèm theo hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng được đầu tư nâng cấp đồng bộ đã mang lại những điều kiện tốt nhất cho người nông dân phát triển SX, từng bước đưa bộ mặt nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, không thua kém gì thành thị…
Ngoài 3 xã kể trên, theo kế hoạch, từ này đến cuối năm 2014, Hậu Giang tiếp tục có thêm 4 xã đạt 19/19 tiêu chí là Thạnh Hòa (Phụng Hiệp), Nhơn Nghĩa A (Châu Thành A), Vĩnh Viễn (Long Mỹ) và Đông Thạnh (Châu Thành). Đây sẽ là tiền đề quan trọng, tạo đà cho các xã sớm hoàn thành các tiêu chí còn lại, để đến cuối năm 2015, 11/11 xã điểm của tỉnh Hậu Giang sẽ được công nhận là xã NTM.
+ Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, cho biết: “Từ năm 2010 đến nay toàn xã đã giúp được 105/216 hộ thoát nghèo, trong đó ấp Sơn Phú thoát nghèo 100%. Nhờ đó đã giúp xã giảm tỷ lệ hộ nghèo hiện nay xuống còn 3,93% (so với tiêu chí NTM là dưới 7%), nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 23,9 triều đồng/năm. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để Đại Thành sớm trở thành xã NTM”. + "Từ thành công của xã Đại Thành cho thấy, nơi nào chính quyền vào cuộc quyết liệt, người dân đồng lòng ủng hộ thì những khó khăn, vướng mắc sẽ sớm được giải quyết để hoàn thành tiêu chí NTM. Chúng tôi rất vui mừng phấn khởi vì Đại Thành không chỉ là xã đầu tiên của tỉnh Hậu Giang mà còn của cả khu vực ĐBSCL được chính thức công nhận là xã NTM. Xây dựng thành công xã NTM sẽ giúp cho mức sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, mà mô hình “Ấp thoát nghèo trắng” ở Đại Thành là một điển hình. Đây là mô hình điểm của TX, sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ra các xã khác, nhằm giúp TX sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng đô thị loại III trong thời giam sớm nhất”, ông Trịnh Quang Hưng, Bí thư Thị ủy TX. Ngã Bảy. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn