Trưởng phòng Kinh tế huyện Phùng Minh Chiến cho biết, đến nay, 16/16 xã của huyện đều đã lập quy hoạch NTM, trong đó có 13/16 xã được UBND huyện phê duyệt, chỉ còn 3 xã nằm trong quy hoạch các dự án và phát triển đô thị đề nghị thành phố phê duyệt theo thẩm quyền. Kinh phí cho lập quy hoạch khoảng hơn 10 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được gần 9 tỷ đồng. Huyện cũng hoàn thành việc phê duyệt đề án xây dựng NTM cho tất cả các xã để chủ động triển khai. Trong công tác quy hoạch, Mê Linh chú trọng quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp; quy hoạch thủy lợi; chăn nuôi; thủy sản… để tạo vùng sản xuất hàng hóa. Mê Linh đã hình thành một số vùng quy mô lớn như mô hình lúa hàng hóa chất lượng cao ở xã Liên Mạc với diện tích 100ha; đưa các giống lúa mới như BC16, RVT, VSI tạo vùng lúa chất lượng cao 306ha ở xã Tam Đồng, Kim Hoa, Hoàng Kim, Tiến Thịnh… Vùng sản xuất hoa hồng chất lượng cao 12ha ở xã Văn Khê, trồng chuối tiêu hồng 20ha ở xã Văn Khê và Chu Phan. Mê Linh xây dựng các khu chăn nuôi trọng điểm như chăn nuôi bò thịt ở các xã Tự Lập, Chu Phan, Tiến Thắng; chăn nuôi lợn ở Liên Mạc, Tráng Việt, Văn Yên, chăn nuôi gia cầm ở Văn Khê, Hoàng Kim…
Đối với xã điểm Liên Mạc, Ban chỉ đạo huyện đang tích cực hỗ trợ xã vào giai đoạn nước rút, phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng NTM vào cuối năm 2012. Với tổng số 75 dự án đã được phê duyệt, Liên Mạc đã và đang thực hiện được 47 dự án, còn 28 dự án sẽ triển khai vào 2 tháng cuối năm 2012. Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Văn Nông cho biết, xã đã quy hoạch 17ha trồng rau an toàn; 100ha lúa chất lượng cao; 3 khu nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi với diện tích 25ha… Đến nay, thu nhập bình quân của xã tăng gần 15% so với trước khi triển khai xây dựng NTM; số hộ nghèo giảm từ 14% xuống còn dưới 7%.
Tuy nhiên, triển khai xây dựng NTM trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Việc xây dựng các thiết chế văn hóa chưa đồng bộ, nhiều xã chưa có nhà văn hóa trung tâm; nhà văn hóa cộng đồng của các thôn chưa được đầu tư các thiết bị theo quy định. Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ xây dựng NTM chủ yếu là dựa vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách thành phố, nguồn thu từ đấu giá đất gặp khó khăn nên việc đầu tư xây dựng chậm tiến độ. Với xã điểm Liên Mạc đang thực hiện 47/75 dự án với tổng kinh phí 205.697 triệu đồng nhưng chủ yếu vẫn sử dụng tiền ngân sách thành phố. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa gặp khó khăn do trình độ sản xuất lạc hậu, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, khả năng tiếp cận thị trường của nông dân còn yếu…
Để khắc phục những khó khăn này trong thời gian tới, Mê Linh sẽ thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn. Huy động tối đa nguồn lực trong dân, doanh nghiệp, vốn xã hội hóa để xây dựng NTM. Tập trung chỉ đạo các xã hoàn thành đầu tư hạ tầng và đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Để nâng cao thu nhập cho người dân, ngoài việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân ở khu vực nông thôn, trong phát triển nông nghiệp, huyện xác định dồn điền đổi thửa là khâu quan trọng, đột phá để thực hiện tốt nội dung xây dựng NTM. Mê Linh phấn đấu đến cuối năm nay sẽ dồn được 2.859ha (đạt 75% kế hoạch) với 11/16 xã thực hiện dồn điền đổi thửa. 5 xã còn lại không tiến hành dồn đổi ruộng do nằm trong quy hoạch của các dự án và quy hoạch phát triển đô thị.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn