Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương liên quan cho Dự thảo "Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014 – 2020".
Theo đó, mục tiêu của Chính sách nhằm khuyến khích đổi mới phát triển chăn nuôi nông hộ (hộ chăn nuôi) theo hướng chuyên nghiệp, gia tăng các yếu tố công nghiệp, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm và hiệu quả kinh tế; đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Đối tượng áp dụng là các cá nhân, hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi theo hình thức hộ gia đình với quy mô dưới mức trang trại theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Các hộ chăn nuôi được hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định tuân thủ các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về chất lượng con giống; quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Chính sách không áp dụng cho các hộ chăn nuôi gia công.
Dự thảo nêu lên một số chính sách được hỗ trợ về: giống, thú y, trồng và sản xuất thức ăn chăn nuôi, môi trường và xây dựng chuồng trại chăn nuôi, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm và xúc tiến thương mại, đào tạo và huấn luyện kĩ năng chăn nuôi cho nông dân.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng việc ban hành chính sách này là cần thiết, góp phần nâng cao, đổi mới hình thức chăn nuôi nông hộ, từng bước đưa chăn nuôi nông hộ đạt chuẩn an toàn, hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, chính sách cần được triển khai đơn giản để áp dụng dễ dàng hơn trong thực tế.
Đồng thời, cần quy định cụ thể về số lượng vật nuôi trong đối tượng và phạm vi áp dụng; tạo điều kiện hơn nữa cho nông dân vay vốn ngân hàng, hỗ trợ về chuồng trại để các hộ được đầu tư phát triển chăn nuôi.
Trong công tác thú y, cần bổ sung chính sách hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh tai xanh cho lợn, mở rộng đối tượng trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm; hỗ trợ thêm về lợn giống đối với các vùng chưa có điều kiện thụ tinh nhân tạo. Đặc biệt, cần quan tâm tới các hộ chăn nuôi ở vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, cần tinh giản các thông số kĩ thuật áp dụng chính sách cho việc chọn lợn, trâu, bò giống; làm rõ các khái niệm về lợn lai, điều chỉnh mức hỗ trợ hợp lí trong xử lí môi trường chăn nuôi; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các địa phương liên kết với nhau, thành lập những chuỗi sản xuất có quy mô, mở rộng thị trường, hình thành những chuỗi sản phẩm riêng nhằm đưa chăn nuôi nông hộ hoạt động hiệu quả và bền vững.