Sau hơn 5 năm tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh đúc rút: “Muốn đưa sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đảm bảo ATVSTP đến được tay người tiêu dùng, ngoài việc thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ cần tổ chức chăn nuôi an toàn, khuyến khích làm theo chuỗi, từ con giống, lợn thịt đến khâu giết mổ, sơ chế”.
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh |
Trao đổi với NNVN, ông Trần Hùng cho hay, hiện một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thành công mô hình này và Hà Tĩnh tiếp tục ban hành chính sách khuyến khích chăn nuôi an toàn.
Như thông tin ông vừa cung cấp ở trên, tôi có thể hiểu, Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ kiểm soát giết mổ có truy xuất nguồn gốc gia súc?
Đúng như vậy. Năm 2014 – 2015, khi phát động phong trào xây dựng NTM tỉnh đã rất quan tâm đến việc hỗ trợ chăn nuôi theo chuỗi cũng như công tác quản lý giết mổ. Nổi bật phải kể đến là chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Tĩnh đã xây dựng được 1 nhà máy giết mổ công suất 500 con/ngày và 39 cơ sở giết mổ tập trung, bình quân giết mổ từ 30 - 70 con gia súc/ngày.
Để tiếp tục tăng cường công tác giết mổ, cuối năm 2018, HĐND tỉnh ban hành tiếp Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018, hỗ trợ nâng cấp các cơ sở giết mổ tập trung, chuyển từ giết mổ trên bệ xi măng sang giết mổ treo. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình nhân rộng mô hình chăn nuôi, chế biến theo chuỗi.
Cụ thể: Hỗ trợ nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc tập trung có công suất từ 30 con/ngày đêm trở lên, với mức hỗ trợ từ 100 – 250 triệu đồng/cơ sở để lắp đặt dây chuyền giết mổ treo và mua vật tư, thiết bị xử lý nguồn nước sử dụng trong giết mổ.
Ông có thể giới thiệu một số mô hình kiểm soát giết mổ có truy xuất nguồn gốc đã thực hiện thành công?
Trang trại chăn nuôi lợn của hộ anh Nguyễn Chính Cảnh, ở xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh là một điển hình. Anh Cảnh bắt đầu chăn nuôi lợn từ năm 2015, với quy mô 300 nái và 500 con lợn thịt. Trong quá trình phát triển trang trại, do giá cả lợn con lên xuống thất thường nên anh đầu tư thêm chuồng trại, nuôi lợn con thành lợn thịt; đồng thời, góp vốn xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Mỗi ngày anh Cảnh tổ chức giết mổ khoảng 20 con lợn bắt từ trang trại để cung cấp thực phẩm cho các chợ đầu mối, siêu thị, bếp ăn tập thể ở trường học… Tất cả các khâu đều có cán bộ Thú y kiểm soát bài bản.
Theo thống kê chưa đầy đủ, bình quân mỗi ngày toàn tỉnh Hà Tĩnh giết mổ khoảng 150 con trâu, bò và 1.500 con lợn. Tỷ lệ gia súc đưa vào giết mổ tập trung đã có nhiều chuyển biến tích cực, theo đó, đối với trâu, bò đạt 90% và 70% đối với lợn. |
Hay như cơ sở chăn nuôi quy mô lớn của các hộ ông: Nguyễn Văn Sửu ở huyện Lộc Hà; Đậu Tiến Sỹ ở thị xã Hồng Lĩnh cũng đang tổ chức chăn nuôi theo chuỗi khép kín và xây dựng kế hoạch hợp tác với các nhà máy, cơ sở giết mổ tập trung để cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Vậy ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của công tác kiểm soát giết mổ?
Cả quy trình sản xuất “từ trang trại đến bàn ăn” khâu nào cũng quan trọng và kiểm soát giết mổ là công tác cuối cùng nhằm đảm bảo kiểm tra, kiểm soát triệt để, loại bỏ các yếu tố có nguy cơ không đảm bảo ATVSTP trước khi đưa vào chế biến. Mấy năm gần đây, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chức năng chuyên môn đã phát hiện không ít vụ việc gia súc mắc bệnh truyền nhiễm đưa vào lò giết mổ, kịp thời tổ chức tiêu hủy, xử phạt hành vi vi phạm, góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan và bảo vệ môi trường sinh thái.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của Hà Tĩnh trong việc quản lý giết mổ gia súc là gì, thưa ông?
Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có 1 nhà máy và 39 cơ sở giết mổ tập trung, cơ bản đáp ứng yêu cầu giết mổ cho hơn 1.500 người hành nghề giết mổ thường xuyên ở 13 huyện, thị xã, thành phố. Tuy vậy, vẫn còn một số địa phương, đặc biệt là cấp xã chưa xử lý quyết liệt và thiếu thường xuyên nên còn tình trạng giết mổ tự phát trong các hộ gia đình, không đảm bảo quy định.
Truy xuất đường đi của gia súc trước khi đưa vào lò giết mổ tập trung là một trong những giải pháp loại bỏ các yếu tố có nguy cơ không đảm bảo ATVSTP trước khi đưa vào chế biến |
Mặt khác, nhận thức của một bộ phận tể lô về công tác đảm bảo ATVSTP còn hạn chế, thậm chí công khai chống đối, lăng mạ lực lượng chức năng nên tỷ lệ gia súc đưa vào giết mổ tập trung đạt dưới 50%. Điển hình là các huyện Hương Khê, thị xã Kỳ Anh, Vũ Quang.
Tôi lấy một ví dụ cụ thể, năm ngoái, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cùng đoàn công tác trong quá trình đi kiểm tra công tác giết mổ gia súc tại chợ Sơn, thị trấn Hương Khê đã bị một số hộ kinh doanh lăng mạ, xúc phạm, dùng chai đựng tiết lợn đổ lên người. Đối tượng này sau đó đã bị cơ quan công an khởi tố, xử phạt nghiêm minh trước pháp luật.
Một khó khăn nữa là không ít địa phương miền núi, dân cư thưa thớt, người hành nghề giết mổ không thường xuyên, ở xa các cơ sở giết mổ tập trung nên tỷ lệ gia súc đưa vào giết mổ tập trung cũng rất hạn chế.
Xin cám ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn