Đông nhưng không mạnh
Đã từng nuôi đủ loại, nhưng hiện tại ông Phạm Điền Trang (huyện Bình Chánh) chỉ gom lại 2 loại chính là cá phướn và cá bảy màu. Ông Trang kể, 1 cặp cá 7 màu xuất bán tại ao 1.200 – 2.000 đồng nhưng tại châu Âu, người ta có thể bán trung bình 3 USD/cặp.
Ngày hội cá cảnh TP.HCM ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyên Vỹ
"Do tốc độ đô thị hóa và tính đặc thù mà cá cảnh sử dụng diện tích đất ít hơn các ngành nông nghiệp truyền thống. TP.HCM chủ yếu làm mạnh về xuất khẩu nên khâu tổ chức sản xuất qua vệ tinh là một hướng đi thích hợp chứ không nhất thiết phải sản xuất ngay trên địa bàn”. Bà Võ Thị Mộng Thu - |
Ông Trang bảo sản xuất như thế là tạm đủ chứ không muốn mở rộng diện tích hay ký thêm các hợp đồng lớn. Theo lời ông, khâu chăn nuôi hiện còn manh mún, việc thu mua xuất khẩu còn bấp bênh theo mùa. Kể cả các hộ nuôi quanh Bình Chánh cũng chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất cầm chừng và ký kết các hợp đồng mua bán bằng miệng.
Tương tự, ông Lê Thiên Phú, chủ trại cá Phú Khang (quận 12) thừa nhận vì là cơ sở nhỏ nên những đơn hàng cỡ 300 con cá dĩa trở lên là không đủ khả năng cung cấp.
“Thực trạng của chúng ta hiện nay là sản xuất từ nhỏ đến siêu nhỏ. Lực lượng sản xuất đông nhưng không mạnh. Trước khi mở rộng thị trường, phải mở rộng sản xuất trước đã, vì chúng ta chỉ quan tâm số lượng cá xuất đi chứ chưa để ý chất lượng con cá” - ông Phú nói.
Theo PGS-TS Vũ Cẩm Lương (khoa Thủy sản, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), cũng vì quy mô nhỏ nên hoạt động cách ly cho cá cảnh chưa đồng bộ dẫn đến tần xuất sinh bệnh cao. Trong tổng số 72 trại cá được khảo sát, việc xử lý nước thải chỉ được thực hiện ở 4 trại.
Do không có quỹ đất tập trung, nhiều nghệ nhân phải tự đi tìm nơi sản xuất, thậm chí đan cài trong khu dân cư hoặc ở rất xa. Ngay các đơn vị lớn như HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn (huyện Củ Chi) hiện có 50 hộ dân sản xuất và cung cấp cá cảnh xuất đi nước ngoài cũng gặp khó khăn do đường giao thông, chi phí vận chuyển xuất khẩu chiếm hơn 50% doanh thu.
Ở Thái Lan cũng không có nhiều trại cá lớn nhưng tính chuyên nghiệp cao và hướng tới chuẩn thị trường. Hầu hết các trại nuôi cá cảnh trong nước chưa đầu tư đúng mức và phù hợp về cơ sở hạ tầng. Kiến thức sản xuất còn mang tính truyền thống là một trong những biểu hiện cụ thể.
“Nhiều nghệ nhân bảo không cần đo đạc nguồn nước theo các chỉ tiêu mà vẫn nuôi cá tốt. Nhưng hiện nay, nguồn nước cấp bị ô nhiễm vượt qua mức kinh nghiệm bản thân. Việc kiểm soát quan trắc bằng khoa học đòi hỏi quy hoạch bài bản hơn” - TS Lương nói.
Cái "tôi" còn lớn
Thị trường Việt Nam phát triển sau và chậm, lúc nào cũng trong thế rượt đuổi. Ảnh: N.V
Với kinh nghiệm 20 năm xuất khẩu cá cảnh ra nước ngoài, ông Lê Hữu Thiện đánh giá nguồn cá dĩa vẫn đang thiếu khoảng 50 – 70%, dẫn đến các thương lái tranh nhau mua, làm tăng giá. Với thị trường châu Âu, ông Thiện cho rằng sức sản xuất hiện tại rất ít cơ sở đủ sức xuất khẩu khi đa phần nuôi cá dĩa ở diện tích 200 – 500 m2. Các trại này cũng rất khó xuất trực tiếp mà phải qua trung gian.
Thị trường Việt Nam phát triển sau và chậm, lúc nào cũng trong thế rượt đuổi. Indonesia hiện thuần dưỡng được rất nhiều loại, đẹp và rẻ. Cá dĩa Thái Lan chỉ bằng 1/3 giá doanh nghiệp trong nước chào bán. Ông Thiện khẳng định tay nghề của người nuôi trong nước không kém trình độ thế giới. Phải nghĩ đến chuyện sản xuất, chứ chỉ làm thương mại như hiện nay vẫn còn mang tính nhất thời.
“Quy hoạch vùng nhưng không nhất thiết phải tập trung hết vào một chỗ. Kết nối tour du lịch của khách nước ngoài đến được với 1 số doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu nhằm giới thiệu sản phẩm trực tiếp cũng là một cách hiệu quả để truyền bá thông tin về thị trường”- ông Thiện đề xuất.
Nghệ nhân Tống Hữu Châu lại cho rằng hãy bằng lòng thực trạng để tổ chức lại sản xuất cho tốt thay vì xin đất làm khu tập trung. Việc khó hiện là cái tôi cá nhân của người nuôi cá còn lớn, ai cũng nghĩ mình tự chiến đấu được nên việc liên kết không dễ. Kể cả việc kêu gọi người khác làm vệ tinh sản xuất và cung cấp cho mình.
Thực hiện hình thức phát triển vệ tinh lâu nay, ông Châu vẫn tin tưởng cách làm này sẽ khả thi trong vòng 5 năm nữa. “Vì lực mình yếu nên phải tìm cách liệu cơm gắp mắm. Các vệ tinh với tôi thậm chí không biết mặt nhau nhưng có ràng buộc điều kiện, đôi bên cùng có lợi. Mô hình này rất dễ lan rộng. Theo tôi, đó vẫn là cách mở rộng sản xuất tốt nhất hiện nay” - ông Châu chia sẻ.
Theo: Nguyên Vỹ/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn