Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tiếp tục tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh về các cơ chế, chính sách, đề án đã được ban hành để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, tập trung khuyến khích chuyển đổi diện tích lúa, ngô kém hiệu quả để thu hút đầu tư phát triển mở rộng diện tích các cây trồng chủ lực, có lợi thế của từng địa phương như cây dược liệu, cây ăn quả...
Các địa phương chỉ đạo người dân gieo cấy một số giống lúa thuần chất lượng cao để đẩy mạnh cơ cấu theo hướng tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác; tiếp tục thực hiện tốt các cánh đồng tập trung, sử dụng từ 1-2 giống lúa thuần; đẩy mạnh mối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân; tăng cường đưa cơ giới vào sản xuất tại những vùng có điều kiện thuận lợi nhằm tăng vụ lúa, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm; phát triển giao thông nội đồng gắn với cải tạo đồng ruộng; tuyên truyền cho người dân đẩy mạnh chăm sóc tốt diện tích lúa, ngô đông xuân đã gieo trồng; tăng cường công tác phòng, trừ sâu bệnh và đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho các loại cây trồng; hướng dẫn người dân làm đất để chuẩn bị cho mùa trồng chè...
Cùng với đó, các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, như đối với diện tích lúa, rau màu bị thiệt hại do mưa đá trong thời gian vừa qua sẽ tiến hành đưa các loại cây khác vào trồng thay thế cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Đối với vùng trồng chuối xuất khẩu chủ yếu là ở huyện Phong Thổ, huyện tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc tốt gần 4.000 ha chuối hiện có; phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đảm bảo vùng chuối không nhiễm bệnh; tổ chức tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và các thị trường nước ngoài; tuyên truyền, vận động Nhân dân hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chuối; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành tại cửa khẩu, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu hàng hóa, trong đó có việc xuất khẩu chuối; đồng thời tiếp tục khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch; hướng dẫn chuyển đổi cây trồng phù hợp đối với những diện tích chuối canh tác lâu năm kém hiệu quả.
Để công tác chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế hơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương tiến hành hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường tái đàn, phát triển đàn lợn nói riêng và các loại vật nuôi khác nói chung; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch; tổ chức triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng; rà soát, kịp thời tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi, phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển ổn định để mang lại thu nhập cao hơn so với phương thức chăn nuôi truyền thống; đẩy mạnh phát triển đàn gia súc ăn cỏ, gia cầm và thủy sản đối với các địa phương có thế mạnh.
Nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, các địa phương tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân; tăng cường trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chủ động, nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng để hạn chế thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy rừng gây ra. Hiện nay đang chuẩn bị bước vào mùa trồng rừng, các địa phương tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị cây giống, đảm bảo đủ số lượng, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng theo quy định; triển khai thực hiện các hạng mục chuẩn bị cho trồng rừng như phát dọn thực bì, làm đất đảm bảo đúng kỹ thuật, tiến độ thời gian; tổ chức triển khai thực hiện trồng rừng đảm bảo mùa vụ, chất lượng, hoàn thành kế hoạch và thực hiện khoán khoanh nuôi tái sinh rừng theo kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thường xuyên cập nhật và cung cấp các thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh để có kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp với tình hình thực tế; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GMP, HACCP nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn được chứng nhận, tạo lòng tin cho người tiêu dùng; tiến hành hợp tác liên kết với các địa phương trong nước tìm kiếm thị trường tiêu thụ; quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; tăng cường vào công đoạn xử lý sản phẩm sau thu hoạch để chủ động hơn trong sản xuất.
Ông Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Được sự chỉ đạo của tỉnh, Ngành Nông nghiệp đang nỗ lực cùng với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trước mắt như khuyến khích người dân chăm sóc tốt diện tích lúa đông xuân đã gieo cấy; tích cực trồng ngô xuân hè, chuẩn bị làm đất, giống để gieo cấy vụ mùa; đẩy mạnh chuẩn bị cho công tác trồng rừng, chè, mắc ca mới; nhanh chóng khắc phục hậu quả của mưa đá để khôi phục các diện tích cây trồng bị thiệt hại; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; nhanh nhạy nắm bắt thông tin thị trường để điều chỉnh việc phát triển sản xuất, chăn nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất; tăng cường hỗ trợ xuất khẩu nông sản cho nông dân....
Với các giải pháp đã đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan cùng các địa phương đang đẩy mạnh tập trung tuyên truyền, hỗ trợ người dân đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập để ổn định cuộc sống.