Người xưa thường nói “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Ý muốn so sánh, nuôi lợn thì nhàn nhã, có nhiều thời gian nghỉ ngơi nên được “ăn cơm nằm”. Còn nuôi tằm thì vất vả, tất bật cả ngày, không có thời gian rảnh nên phải “ăn cơm đứng”. Ấy vậy mà gia đình anh Nguyễn Văn Hải lại chọn nuôi con “ăn cơm đứng” này để làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế gia đình.
Anh Hải cho biết: Năm 2003, tôi chuyển đất trồng lúa sang trồng dâu, nuôi tằm và kinh tế khá lên từ đấy..
Theo anh Nguyễn Văn Hải, trồng dâu khá đơn giản, không mất nhiều công chăm bón. Chỉ trồng một lần mà anh có thể thu hái lá cho tằm ăn trong nhiều năm liền. “Trồng dâu, nuôi tằm vất vả hơn trồng lúa. Nhưng bù lại, nó lại cho giá kinh tế cao gấp 3 – 4 lần trồng lúa. Thời kỳ tằm ăn rỗi là vất vả nhất. Khi đó tằm ăn nhiều, rất tốn lá dâu nên bất kể trời mưa hay nắng, tôi đều phải ra đồng hái lá dâu. Còn vợ tôi ở nhà túc trực, cho tằm ăn...” – anh Hải chia sẻ.
Chị Bùi Thị Nam – vợ anh Hải, cho biết: Nhà tôi thường chọn nuôi tằm ở tuổi 4, chứ không nuôi tằm tuổi 1, tuổi 2 như một số hộ dân trong thôn. Vì vậy, mỗi lứa tằm của nhà tôi chỉ kéo dài khoảng chục ngày là được bán kén.
Đối với tằm tuổi 4, vợ chồng chị Nam nuôi trên nong, tiện cho việc theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của tằm; đồng thời có thể kiểm soát được bệnh tật xảy ra. Khoảng 4 ngày nuôi trên nong, chị mới bắt đầu cho tằm xuống nền nhà đã được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng từ trước.
“Trừ chi phí, bình quân một tháng, gia đình tôi lãi khoảng 10 triệu đồng từ nghề nuôi tằm ăn cơm đứng...” – anh Hải vui vẻ, cho biết.
Lên tuổi 5 cũng là lúc tằm ăn rỗi. Sau khoảng 3 ngày ăn rỗi, tằm bắt đầu chín, thân hồng, màu trong suốt. Lúc đó, anh Hải úp né xuống để tằm bò lên, nhả tơ, cuộn thành kén...
Theo anh Hải, cũng nhờ trồng dâu, nuôi tằm mà gia đình ông xây dựng được nhà cửa khang trang, có bát ăn, bát để. Các con anh được học hành đến nơi, đến chốn...
Theo: Văn Chiến - Thiên Long/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn