Cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) Xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Giang tổng kết 5 năm ...
Cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) Xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Giang tổng kết 5 năm và tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp xuất sắc
Là một trong những tỉnh thuộc tốp nghèo nhất cả nước, nơi được biết đến bởi sự ngự trị của những núi đá tai mèo, địa hình hiểm trở. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và đặc biệt là quần chúng nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số nơi địa đầu Tổ quốc, đến hết 2015 toàn tỉnh Hà Giang vinh dự có 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (trong đó 3 xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện nghèo 30a), xếp thứ 33/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
Mặc dù tổng nguồn thu ngân sách của tỉnh Hà Giang vài năm gần đây chỉ đạt trên dưới 1.000 tỷ đồng, song tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM đến thời điểm hiện tại đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn Chương trình MTQG 377 tỷ đồng, vốn lồng ghép trên 2.000 tỷ đồng, huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân trên 479 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn vay của các ngân hàng cho hộ sản xuất, kinh doanh, làm đường giao thông, xây dựng nhà ở đạt 3.540 tỷ đồng. 5 năm qua, nhờ chương trình NTM mà trên 1.500km đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở mới; 670 công trình thủy lợi được làm mới, cải tạo, nâng cấp để phục vụ SX nông nghiệp cho bà con; 508 công trình, cải tạo lưới điện cho trên 3.500 hộ gia đình; cải tạo, nâng cấp 415 trường học… Đặc biệt, dù đất SX phải tận dụng từng hốc đá, bậc thang nhưng đồng bào Hà Giang hiến gần 1,7 triệu m2 đất, đóng góp trên 1,8 triệu ngày công đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Kết quả trên đã làm cho bộ mặt nông thôn thực sự đổi mới, khang trang, sạch sẽ, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thu nhập và đời sống nhân dân được cải thiện, tăng từ 9,6 triệu đồng năm 2011 lên 19,2 triệu đồng/người/năm 2015.
Nhưng tín hiệu vui hơn cả chính là nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự chuyển biến tích cực, phát huy được tính chủ động, sáng tạo và sự tham gia đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy, đã huy động được toàn thể hệ thống chính trị thực hiện xây dựng NTM hiệu quả hơn. Từ đó, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc tổ chức lại sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương khi Hà Giang thành lập được các tổ chỉ đạo SX ở thôn, bản, nhóm sở thích, tổ hợp tác, sản xuất gắn với địa chỉ tiêu thụ sản phẩm.
Qua 5 năm xây dựng NTM, tỉnh Hà Giang có 1 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 8 tập thể và 6 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 127 tập thể, 198 cá nhân và 133 hộ gia đình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Trên cơ sở những kết quả đạt được, theo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM Hà Giang, giai đoạn 2016-2020 tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để trở thành phong trào thi đua mạnh mẽ, người dân thực sự trở thành chủ thể xây dựng NTM. Cơ bản hoàn thành kết cấu hạ tầng thiết yếu gồm đường giao thông, điện, nước sạch, trạm y tế, nhà văn hóa thôn bản. Phát triển SX gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và chất lượng đời sống văn hóa cho dân cư nông thôn.
Tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp. Đồng thời duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn; thực hiện mỗi huyện một xã, mỗi xã một thôn điển hình theo hướng phát triển toàn diện. Phấn đấu có 38 xã hoàn thành 19 tiêu chí NTM, các xã còn lại phấn đấu hàng năm tăng từ 1-2 tiêu chí, tổng sản phẩm bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh đề nghị các địa phương cần khắc phục những hạn chế, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần tâm huyết với xây dựng NTM hơn nữa; quan tâm đến chất lượng các công trình. Duy trì, phát động phong trào phải đi vào thực chất, từ những hành động cụ thể.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép nguồn lực phải tốt hơn. Đối với mô hình chỉ đạo, sẽ thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, các tiêu chí không cần tiền phải thực chất hơn, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp huyện phải thể hiện rõ hơn nữa quyết tâm xây dựng NTM; duy trì mức độ cao hơn các tiêu chí, tiêu chuẩn các xã đã đạt chuẩn NTM....
Theo Nguyễn Huân- Thiên Thanh/nongnghiepvn.vn