Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (giữa) thăm cơ sở chế biến chè xanh Bát Tiên làng nghề Bảo Hưng. |
Các làng nghề truyền thống, làng nghề và nghề truyền thống đã đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế ở các địa phương của tỉnh Yên Bái, giúp người dân có thu nhập cao và ổn định. Các làng nghề đang thu hút được nhiều lao động, phát huy những giá trị truyền thống bền vững mang lại hiệu quả cao. Trong đó phải kể đến 3 làng nghề truyền thống: Làng rọ tôm Phúc An, làng miến đao Giới Phiên, làng chè Bát Tiên Bảo Hưng.
Làng rọ tôm Phúc An nằm ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình có 72/84 hộ tham gia, mỗi năm thu 5 - 6 tỷ đồng từ việc đan rọ tôm, bằng 57% tổng thu nhập của thôn.
Ông Trần Văn Thành được người dân trong thôn phong là “ông tổ nghề đan rọ tôm” của thôn Đồng Tâm năm nay đã ngoài 80 tuổi kể: "Cuộc sống của người dân khi đó khó khăn lắm, nhìn lên núi đất rừng mỗi năm thêm cằn cỗi, chỉ còn mỗi cách là nhìn ra hồ, nhưng với hai bàn tay trắng thì làm sao bắt được cá tôm?
Người dân làng nghề đan rọ tôm Phúc An. |
Trong khi đó tôm cá dưới hồ nhiều vô kể. Thế là tôi lặn lội xuống tận Vũ Ẻn (Phú Thọ) học nghề đan rọ tôm mang lên đây. Mới đầu đan cho con cháu đi đánh bắt con tôm con cá về cải thiện bữa ăn, sau mang ra chợ bán. Bà con có nhu cầu thì mình đan bán cho họ, đan không kịp người ta tới học thì mình bày cách cho họ. Người này truyền nghề cho người kia, thành ra cả thôn gần như gia đình nào từ đứa trẻ con 6 - 7 tuổi cũng biết đan rọ tôm…".
Giá mỗi chiếc rọ tôm chỉ 5.000 - 7.000 đồng/chiếc, góp gió thành bão, người nào đan giỏi cũng chỉ được 20 cái/ngày, nhưng chẳng ai ngồi đan cả ngày, họ còn nhiều việc đồng áng khác, nên chỉ đan lúc nhàn rỗi. Điều không ai có thể ngờ rọ tôm của thôn Đồng Tâm được thương lái mua mang đi khắp các tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang…đâu có tôm là người ta tìm đến mua.
Rọ tôm của thôn Đồng Tâm nổi tiếng, bởi dễ đánh, tôm vào khó ra được. Năm 2015 toàn thôn có 70 hộ làm nghề đan rọ tôm, đan được 1,36 triệu chiếc, thu trên 5 tỷ. Năm 2018 có 72 hộ, đan được 1,4 - 1,6 triệu chiếc thu 5,5 tỷ. Một con số không ai có thể ngờ tới, tính ra bằng 57% tổng thu nhập của thôn.
Làng nghề miến đao xã Giới Phiên được hai ông Tô Văn Trắc và Nguyễn Văn Minh du nhập từ làng miến Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội lên từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Sau đó phát triển dọc các xã ven bờ sông Hồng huyện Trấn Yên và TP.Yên Bái trở thành vùng SX miến đao nổi tiếng.
Làng nghề miến đao Giới Phiên. |
Làng nghề miến đao Giới Phiên hiện có 68 hộ SX và kinh doanh, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 400 - 450 tấn.
Ngày 28/1/2015 HTX miến đao Giới Phiên được thành lập với 13 hộ SX, kinh doanh là thành viên do ông Nguyễn Văn Toàn làm giám đốc. Ngay sau khi được thành lập, HTX đã phát huy kinh nghiệm của làng nghề truyền thống, SX theo bộ tiêu chuẩn của Cục Sở hữu trí tuệ quy định, trong đó tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Ngày 13/1/2016 Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho HTX miến đao Giới phiên.
Làng nghề SX chè xanh Bát Tiên Bảo Hưng được dự án QSEAP (Bộ NN-PTNT) hỗ trợ trên 4 tỷ đồng với công nghệ chế biến tiên tiến, công suất hơn 2 tấn/ngày, do ông Nguyễn Văn Trang làm chủ nhiệm, có 17 xã viên góp vốn trồng, thu mua, chế biến. Mỗi năm nhà máy sẽ thu mua từ 200 - 250 tấn chè xanh Bát Tiên của các hộ gia đình trong xã SX theo quy trình VietGAP, sản phẩm chè sạch cung cấp ra thị trường từ 45 - 50 tấn/năm.
Đây là làng nghề truyền thống được xây dựng kết hợp giữa SX truyền thống và hiện đại, sản phẩm của làng nghề có mặt trong các siêu thị lớn ở Hà Nội và nhiều thành phố trên cả nước. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã tới thăm và đánh giá cao làng nghề chế biến chè xanh Bát Tiên Bảo Hưng.
Chế tác tranh đá quý Lục Yên. |
Theo kế hoạch của tỉnh Yên Bái, năm 2019 có 6 làng nghề truyền thống được thẩm định công nhận là làng nghề truyền thống: Làng dâu tằm tơ Báo Đáp, làng chế biến chè đặc sản Suối Giàng, làng dệt thổ cẩm thôn Đêu I, Đêu II, Đêu III, Đêu IV xã Nghĩa An, TX Nghĩa Lộ. Các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, đá cảnh ở các huyện Lục Yên, Văn Chấn; làng nghề chế biến quế huyện văn Yên; làng nghề nấu rượu thóc huyện Mù Cang Chải… Các nghề truyền thống: Làm khèn Mông ở các xã: Púng Luông, Mồ Dề; nghề rèn đúc ở các xã: Nậm Khắt, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình thuộc huyện Mù Cang Chải… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn