Thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội ND tham gia bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020”, Hội ND xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế đã đăng ký với cấp ủy, chính quyền xã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường”.
Theo đó, Hội ND xã đã thành lập 11 Tổ Nông dân tự quản và bảo vệ môi trường ở 100% thôn trên địa bàn xã. Mỗi tổ có từ 15 - 20 thành viên. Hội xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong tổ. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên nông dân và nhân dân tự giác thu gom, phân loại rác thải tại gia đình để có cách xử lý phù hợp. Cuối tuần, các loại rác vô cơ, nhất là túi nylon được đem ra lò đốt rác để tiêu hủy không gây ô nhiễm môi trường.
Nông dân Bắc Giang bỏ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào thùng chứa đúng nơi quy định. (ảnh: Tuệ An)
Đặc biệt, Hội ND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, nhân dân ủng hộ tiền và ngày công lao động để xây 6 lò xử lý rác thải trị giá hơn 130 triệu đồng và 6 thùng xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng trị giá hàng chục triệu đồng.
Đồng thời, Hội ND xã đã vận động các cán bộ, hội viên, nông dân ủng hộ tiền và ngày công lao động để làm được hơn 2km rãnh thoát nước thải, hơn 100 hầm biogas xử lý nước thải chăn nuôi.
Hội ND xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế là một trong những đơn vị cơ sở Hội triển khai có hiệu quả phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn do Hội ND phát động.
Ông Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bắc Giang cho biết: Hiện, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có 226 cơ sở Hội xây dựng được mô hình điểm Hội ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Đặc biệt, các cấp Hội cũng đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình với mục đích lấy hiệu quả từ thực tiễn để vận động nhân dân làm theo.
Điển hình như: Mô hình “Xử lý chất thải bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế trang trại của nông dân vùng nông thôn” ở xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ khí sinh học biogas, bể chứa chất thải, sử dụng chế phẩm sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Hay mô hình “Trồng cây vối bản địa bảo tồn đa dạng sinh học, chống sạt lở bờ mương, hồ, đập, bảo vệ môi trường và khai thác phụ phẩm” tại xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động đã khích lệ nông dân trồng gần 8.000 cây vối giống tại các bờ mương, suối của xã để chống sạt lở…
Theo Thu Hà/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn