Nhiều giải pháp căn cơ, trong đó nhấn đến một cơ chế phối hợp hiệu quả, sẽ được các cơ quan liên quan của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất triển khai nhằm giúp sản xuất, tiêu thụ ngành hàng rau quả, trái cây theo hướng bền vững.
Sau khi cả xã hội rầm rộ “vào cuộc” mua ủng hộ hành tím, dưa hấu cho nông dân thời gian qua, nhiều người vẫn chưa hết lo tình trạng ế ẩm, rớt giá sẽ lặp lại với nhiều loại rau trái khác như vải thiều, ổi, thanh long. Một hội nghị bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả theo hướng bền vững đã được Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp phối hợp tổ chức chiều qua (14/5).
Nối lại “vết đứt đoạn” thông tin
Bộ Công Thương nhận định, công tác tìm hiểu thông tin thị trường, trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan và cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp còn yếu kém. Cụ thể, khâu yếu nhất trong công tác thông tin hiện nay là có sự đứt đoạn trong các khâu xử lý và khai thác thông tin. Điều này có nghĩa là, các cơ quan quản lý theo từng lĩnh vực có khá đầy đủ thông tin trong lĩnh vực mình phụ trách nhưng lại yếu trong xử lý và chia sẻ thông tin. Nông dân thiếu thông tin cần thiết nên sản xuất tràn lan, nông sản ùn ứ tại cửa khẩu như câu chuyện dưa hấu cách đây không lâu…
Tỉnh Quảng Nam có hơn 2.000 ha dưa hấu. Vừa qua, giá dưa sụt do tại cửa khẩu bị ùn tắc không bán được. Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với mặt hàng dưa hấu nhưng hiện lại rất thiếu thông tin. “Thương lái Trung Quốc mua bao nhiêu, mua như thế nào, chúng tôi đều không biết. Thiếu cả dự báo ngắn hạn và dài hạn. Ngay thị trường nội địa cũng thiếu những thông tin cần thiết”, ông Thanh nêu thực trạng.
Tuy nhiên, về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Tuấn Anh lại cho rằng, vai trò của địa phương trong quy hoạch tổ chức sản xuất rất quan trọng. Bộ Công Thương có trách nhiệm cung cấp thông tin dự báo cho địa phương, song cần cung cấp thông tin ở khâu nào thì tỉnh phải đề xuất với Bộ. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, liên quan đến việc dưa hấu ế ẩm vừa qua, Bộ đã chỉ đạo các tỉnh rà soát lại sản lượng dưa hấu, số lượng dưa hấu tồn đọng để báo cáo Bộ, làm cơ sở điều tiết tại các cửa khẩu, song không có tỉnh nào trả lời. “Chính các tỉnh còn không nắm rõ thông tin tại tỉnh mình”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Còn bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á (Bộ Công Thương) đề nghị các địa phương cần tổng hợp danh sách thương lái chuyên thu mua nông sản địa phương và báo cáo để Bộ có sự phân luồng tiêu thụ tại các cửa khẩu khi cần thiết.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp), các cơ quan chức năng cần cung cấp cho doanh nghiệp (DN) các thông tin thật cụ thể về thị trường tiềm năng, tâm lý người tiêu dùng tại đó. Mỗi thị trường có những yêu cầu rất khác nhau mà nếu không nắm được thì không thể đẩy mạnh xuất khẩu được.
“Kiểm dịch thực vật đang là một rào cản lớn đối với xuất khẩu rau quả. Nhưng có những chất bảo vệ thực vật mà Mỹ cấm nhưng châu Âu không cấm. Rồi mức độ tồn dư cho phép tại mỗi thị trường cũng khác nhau. Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của tham tán thương mại tại các nước. Họ cần phải tìm hiểu kĩ các thông tin này và cung cấp cho DN trong nước”, ông Hồng khẳng định.
Để làm tốt công tác thông tin, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ tăng cường cập nhật, theo dõi và cung cấp thông tin về diễn biến tình hình sản xuất, sản lượng, tồn kho, chính sách và nhu cầu xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tại các thị trường, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng cũng như các hàng rào kỹ thuật và thương mại của thị trường nhập khẩu. Đồng thời, giới thiệu danh sách DN xuất khẩu uy tín của Việt Nam đến các đối tác nước ngoài, góp phần kết nối thông tin giúp các DN.
Đầu tư cho vận chuyển, bảo quản
Đại diện các địa phương có sản phẩm rau quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều thống nhất, Việt Nam đang rất yếu khâu bảo quản, sơ chế sau thu hoạch. Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, năng suất, chất lượng nông sản ngày càng cao, thị trường ngày càng mở rộng nhưng điểm vướng mắc nằm ở khâu sơ chế. “Thực tế, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch ở Việt Nam ở mức 25%. Tôi kiến nghị cần có sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, có chính sách rõ ràng về ưu đãi cho đầu tư công nghệ sau thu hoạch. Điều này sẽ giúp giảm áp lực về tiến độ tiêu thụ hàng nông sản cho ngành vận tải”, ông Nam đề nghị.
Ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, giá nho, táo tại địa phương khá ổn định. Cụ thể, nho 25.000 - 30.000 đồng/kg, táo 15.000 - 20.000 đồng/kg. Thế nhưng khi ra đến Hà Nội, qua nhiều công đoạn vận chuyển, bảo quản đã tăng giá lên đến 70.000 - 80.000 đồng/kg. “Mức giá này khiến người tiêu dùng khó chấp nhận. Các Bộ cần có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng”, ông Hòa kiến nghị.
Theo phản ánh của một số DN, cước phí vận chuyển nội địa và xuất khẩu, cũng như chi phí bảo quản đối với rau quả Việt Nam khá cao, chiếm trên 60% giá thành sản phẩm. Dẫn chứng, cước hàng không Việt Nam đối với mỗi kg rau quả từ TP Hồ Chí Minh đi Dubai là khoảng 3 USD, trong khi giá của hãng hàng không Ermirates xuất phát từ Bangkok hay Jarkarta đi Dubai chỉ khoảng 1,5 USD/kg. Điều này làm hạn chế khả năng cạnh tranh của rau quả đặc sản Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đề nghị: “Các Bộ ngành cần coi các nhà lưu thông hàng hóa như một mắt xích trong chuỗi tiêu thụ hàng hóa, từ đó tìm cách giảm chi phí lưu thông. Nếu các DN vận chuyển rau quả xuất khẩu được giảm cước phí, thuế VAT, thuế thu nhập DN… thì sẽ hỗ trợ gián tiếp cho nông dân để họ sản xuất tốt hơn. Hiện nay, chưa có sự ưu tiên nào”.
Cũng theo ông Ánh, rau quả rất cần bảo quản song hiện nay chưa có chính sách nào khuyến khích xây dựng kho lạnh, kho mát để giữ hàng hóa được lâu trong quá trình chờ thông quan. “Cần chính sách hỗ trợ vốn cho các đơn vị vận tải, bảo quản nông sản như trong lĩnh vực ngư nghiệp có chính sách khuyến khích người dân đóng tàu, đánh bắt xa bờ”, ông Ánh cho biết.
Trước đề xuất này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đồng tình sẽ có hỗ trợ cho DN vận tải và các khâu bảo quản, chế biến rau quả. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết thêm, Chính phủ đã phân bổ cho các địa phương tự chủ nguồn vốn đầu tư hạ tầng nông thôn và các địa phương cũng cần dùng nguồn vốn này để đầu tư cho hạ tầng thương mại, trong đó có khâu bảo quản nông sản.
Hoàng Dương
theo baotintuc