Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: DUY BẰNG
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm đến nay đã xuất khoảng 4,8 triệu tấn gạo, trị giá trên 2 tỷ USD. Đây là số lượng khá lớn nhưng áp lực phải giải phóng số gạo đang trữ ở các kho của doanh nghiệp vẫn còn nhiều. Trong bối cảnh đó, nhiều nông dân vùng ĐBSCL phải thêm một lần “nếm quả đắng” do nhiều rủi ro. Mưa dầm, máy gặt đập liên hợp không hoạt động được, nông dân phải thuê nhân công cắt tay 350.000 - 400.000 đồng/công (cao hơn 50.000 - 80.000 đông/công so với thu hoạch bằng máy). Cộng thêm tiền mướn trâu gom lúa, máy suốt, mỗi công đất người dân phải tốn gần 700.000 đồng. Việc thuê nhân công thu hoạch lúa bằng tay với giá cao là một điều thiệt thòi, người dân còn gánh thêm sức ép khác là không bán được lúa. “Thương lái chỉ tìm mua lúa cắt bằng máy và sạch đẹp. Riêng tôi và hơn 90% bà con nơi đây do thu hoạch lúa bằng tay nên đem về nhà phơi để chờ bán, tiếp tục tốn thêm một khoản chi phí vận chuyển, phơi sấy. Với tình hình giá lúa như hiện nay, nông dân khó kiếm được đồng lời, vì nhiều chi phí cứ đè nặng” - nông dân Phạm Hoàng Liệt, ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, Hậu Giang, than thở khi vừa thu hoạch xong 6 công lúa. Những lời than thở như ông Phạm Hoàng Liệt liên tiếp xuất hiện trên các phương tiện truyền thông từ đầu năm đến nay. Điều đó cũng phản ánh một thực tế là cần có sự thay đổi trên nhiều phương diện đối với cây lúa hiện nay. Thời gian qua, mô hình cánh đồng mẫu xuất phát từ Đồng Tháp, An Giang rồi lan tỏa nhanh ra các tỉnh, thành ĐBSCL. Thống kê sơ bộ của các tỉnh thực hiện mô hình này cho thấy, năng suất lúa tăng 5% - 7%, giá thành giảm 10% - 25%, lợi nhuận tăng 20% - 40%. Tuy nhiên, mối liên kết 4 nhà, nhất là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ vì chưa có phương thức mua bán phù hợp giúp mang lại lợi ích hài hòa của đôi bên nên không ít hộ dân chưa thật sự cảm thấy an tâm canh tác theo cánh đồng mẫu. Nông dân mong muốn các địa phương sớm xây dựng hợp đồng, biên bản hợp tác, thỏa thuận thống nhất nguyên tắc giá, hình thức thu mua, phương tiện vận chuyển, thanh toán chặt chẽ. Thực tế, trong thời gian qua đã có nhiều nông dân sản xuất trong cánh đồng mẫu “chới với” khi không bán được lúa cho doanh nghiệp, vì thiếu những hợp đồng mua bán rõ ràng.
Một tín hiệu tích cực là trong 3 năm gần đây, Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã có những cố gắng thông qua các nghị định, quy chế để dần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo vào tiến trình ổn định. Cụ thể, qua gần 2 năm lấy ý kiến của lãnh đạo địa phương và ngành nông nghiệp trong vùng, Bộ NN-PTNT đã hình thành được “bộ khung” dự thảo về quy chế chính sách liên kết sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ nông sản. Theo đó, người dân trồng lúa sẽ được hỗ trợ 100% phí lưu kho khi ký gởi lúa gạo vào kho doanh nghiệp (thời gian 3 tháng trong trường hợp Chính phủ có chủ trương tạm trữ lúa gạo). Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia vào cánh đồng mẫu được miễn phí 100% tiền sử dụng đất khi chuyển từ đất nông nghiệp sang đất xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nhà máy chế biến… Nếu dự thảo này được thông qua, đây là quyết định để “cụ thể hóa” Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa qua hợp đồng. Sự xuất hiện khá dày của một số doanh nghiệp (trước nay chưa có chân trong kinh doanh xuất khẩu gạo) để liên kết với nông dân trong vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu không phải là ngẫu nhiên. Đây được xem là “nước cờ cao tay” để họ “dọn sân” nhảy vào kinh doanh sản xuất lúa gạo. Mới đây, Bộ Công thương đã triển khai quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, công bố thứ tự ưu tiên, các quan điểm và hướng dẫn cụ thể việc triển khai. Ngoài “khoanh khung” 150 đầu mối xuất khẩu gạo, các thương nhân còn phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo; có kho chứa, cơ sở xay xát lúa, gạo nằm trên địa bàn ĐBSCL, TPHCM, Thái Bình, Hưng Yên và Tây Ninh. Trong đó, ưu tiên thương nhân có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải duy trì số lượng gạo xuất khẩu tối thiểu theo quy định nếu không sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh. Lâu nay, nông dân trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo được xem là 2 đối tượng chính “ngồi cùng thuyền” nhưng luôn có những “xung đột” vì lợi ích chưa gắn kết. Doanh nghiệp thì muốn mua lúa, gạo giá thấp nhất có thể và nông dân là muốn điều ngược lại. Các hình thái mua bán giữa nông dân và doanh nghiệp luôn theo kiểu “mua đứt, bán đoạn”, không thể hiện rõ trách nhiệm trong chia sẻ lợi nhuận, rủi ro. Những nỗ lực của các cơ quan chức năng mong muốn dần đưa nông dân và doanh nghiệp đến cái “ngoéo tay” chặt hơn!
CAO PHONG |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn