Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị Đối thoại chính sách về HTX nông nghiệp, sáng 10-4 Ảnh: Hoàng Long
Cùng dự, có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, các Bộ, ngành liên quan cùng đại diện 10 địa phương và 10 HTX tiêu biểu nhằm tìm ra những giải pháp đột phá trong phát triển HTX nông nghiệp. Chỉ 10% HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả
Mặc dù, đã có Luật HTX và Nghị định 193 của Chính phủ song 2 năm qua số lượng HTX thành lập mới chỉ khoảng 800 HTX/năm, trong khi đó số HTX giải thể do yếu kém, ngừng hoạt động là 550 HTX/năm. Nhiều HTX Nông nghiệp chưa thay đổi phương thức hoạt động theo Luật HTX 2012, tư duy hoạt động còn nặng về hành chính, bao cấp theo phương thức HTX kiểu cũ. Mức thu nhập bình quân của xã viên chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng, việc đóng góp của các HTX cho kinh tế nông nghiệp còn thấp. "Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các doanh nghiệp còn rất hạn chế, hiện mới chỉ tổ chức liên kết thành công đối với lĩnh vực lúa gạo ở ĐBSCL, sản xuất bò sữa, mía đường, cà phê, hồ tiêu song số lượng chỉ chiếm 10-15% số lượng do nông dân sản xuất ra. Hạn chế trên đã khiến người nông dân phải "tự làm, tự bán” phổ biến dẫn đến nhiều rủi ro trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và thu nhập của người dân”, ông Trung cho biết. Đề nghị có gói hỗ trợ tín dụng cho nông dân Tại Hội nghị, đại diện các địa phương, các HTX đã thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm để tạo đột phá trong các HTX nông nghiệp. Từ kinh nghiệm thực tiễn, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Quý Hiền Phạm Quốc Ân (Bảo Thắng - Lào Cai) cho rằng, vai trò của HTX là rất cần thiết để có một sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế đủ sức cạnh tranh với thị trường. HTX chính là cầu nối giữa người nông dân với các nhà khoa học, các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Thừa nhận hiện nay chúng ta đã có rất nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ cho nông dân, nông nghiệp, nhưng theo ông Ân hiện nay lãi suất cho vay của ta vẫn cao hơn thế giới. Theo lý thuyết lãi suất vay ngắn hạn là 7%, dài hạn là 10-11%/năm đối với nông nghiệp, nhưng thực tế ít ai vay được lãi suất đó, phải vay cao hơn và kèm theo lệ phí và phí nữa. Cùng với đó là điều kiện vay tín dụng phần lớn là thế chấp. "Nên chăng, ngân sách nhà nước cần có 1 gói tín dụng dành cho nông nghiệp (kiểu gói 30 ngàn tỷ cho bất động sản) với lãi suất thấp ủy thác cho ngân hàng cho nông dân vay”, ông Ân kiến nghị. Giám đốc HTX nông nghiệp EVERGROWTH Trần Hoàng An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết, từ 10 năm nay HTX đã thực hiện mô hình sở hữu kép. Qua hoạt động, bản thân người nông dân nuôi bò sữa của HTX có thể mua được vật tư đầu vào rẻ, cũng như cung cấp đầu ra. Tuy nhiên, theo ông Hoàng An những năm gần đây ngành nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Khi giá sữa bò thế giới xuống các nhà máy thu mua sữa lại quay lưng với nông dân, nhập sữa ngoại. Từ thực tế trên ông Hoàng An đề nghị, ngành nông nghiệp cần có giải pháp giúp đỡ cho nông dân. Cụ thể, như quy định các nhà máy sữa phải có trách nhiệm mua bao nhiêu % của nông dân mới được nhập khẩu, hoặc quy định cơ chế tính giá đầu vào, đầu ra để cơ cấu giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng. Đại diện các HTX, các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ và ngành nông nghiệp cần có các chính sách hỗ trợ về đất cho sản xuất nông nghiệp, về thuế trong sản xuất nông nghiệp, chính sách quản lý giá đặc biệt là giá thành đầu vào vật tư nông nghiệp… Dành khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ các HTX Từ thực tế số lượng khoảng 1 nghìn HTX hoạt động có hiệu quả trong tổng số hơn 10 nghìn HTX nông nghiệp ở 9.000 xã của cả nước, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở cần có giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp, đồng thời khẳng định, HTX không phủ định, thay thế kinh tế hộ, mà làm cho việc sản xuất cá thể của các xã viên có sức cạnh tranh cao hơn, thu nhập của xã viên cao hơn thông qua việc HTX cung cấp các dịch vụ đầu vào với giá thấp, chất lượng cao cho các hộ xã viên, phối hợp kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các hộ và tổ chức tiêu thụ sản phẩm của các hộ. Bên cạnh đó, xã viên vẫn tiếp tục sản xuất, kinh doanh nên họ không đem tư liệu sản xuất, đất đai, nhà xưởng của mình góp vào HTX, mà chỉ góp vốn để HTX có thể hoạt động và cung cấp dịch vụ lo đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho họ. Lấy ví dụ từ những điển hình thành công như HTX chăn nuôi Quý Hiền (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), HTX vận tải Rạch Gầm (Tiền Giang), HTX Đan Hoài (Đan Phượng – Hà Nội), Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là tiền đề để đổi mới mô hình sản xuất cơ sở của kinh tế nông nghiệp. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân, Liên minh HTX cùng phối hợp để xây dựng một lộ trình hình thành HTX kiểu mới trong hai năm tới 2015-2017; cùng với đó phối hợp với MTTQ Việt Nam có cuốn sách về 30 HTX điển hình trong cả nước để làm công cụ tuyên truyền, tiến tới biên soạn cuốn sổ tay kinh nghiệm về HTX kiểu mới để có tài liệu giúp các địa phương trong quá trình thực hiện. Liên quan đến vấn đề vốn cho các HTX, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài chính cần rà lại chính sách hiện hành để trong năm 2015-2017, dành một khoản vốn khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ, thúc đẩy các HTX phát triển sản xuất kinh doanh. "Tới đây, MTTQ Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Liên minh HTX Việt Nam sẽ kiến nghị có Nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng HTX kiểu mới trong quý III-2015”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết. Anh Vũ theo daidoanket | |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn