Thời gian qua, TP Móng Cái (Quảng Ninhđã và đang tích cực kêu gọi các DN đầu tư vào SX nông nghiệp theo chuỗi từ SX đến chế biến, tiêu thụ.
Các DN này sẽ được TP tạo điều kiện tối đa nhằm tiếp cận nhanh nhất với các ưu đãi của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Thành ủy Móng Cái, các DN đầu tư vào nông nghiệp tại TP Móng Cái sẽ được hỗ trợ chi phí GPMB, thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ lãi suất vay vốn, chi phí chuyển giao công nghệ..
Song song với đó, đối với những khó khăn, vướng mắc của DN cũng thường xuyên được lãnh đạo TP quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN yên tâm phát triển SX.
Chính vì vậy, dù không phải địa bàn trọng điểm về nông nghiệp nhưng TP Móng Cái vẫn thu hút được một số DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, như: Cty TNHH Kim Hằng MC (đầu tư sản phẩm lợn Móng Cái, khoai lang); Cty TNHH Ngọc Khánh VT (sản phẩm ghẹ Trà Cổ); HTX nông lâm ngư Thái An (sản phẩm tỏi Vĩnh Thực); Cty Cát Phú Hải (tôm chân trắng)… Ngoài ra, còn có 14 đơn vị, DN và hộ kinh doanh đăng ký sử dụng nhãn hiệu tôm chân trắng cũng đang từng bước đầu tư nguồn vốn vào việc ứng dụng công nghệ trong SX, bảo quản sản phẩm.
Cùng với thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp thì việc đầu tư hạ tầng vùng nuôi trồng, đưa KHKT vào các dự án SX và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cũng là những vấn đề được TP Móng Cái hết sức quan tâm.
Riêng đối với lợn Móng Cái - một trong những thương hiệu nông sản đã khẳng định được thương hiệu của địa phương, năm 2014, TP đã phát triển được 600 con thương phẩm, 50 lợn nái.
Dự kiến đến hết năm 2015 sẽ tăng số lượng đàn lợn Móng Cái lên trên 1.000 con thông qua các dự án phát triển SX. Hiện nay, TP đã có 3 sản phẩm nông nghiệp gồm: Ghẹ Trà Cổ, tôm chân trắng và lợn Móng Cái được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.
Đối với nuôi trồng thuỷ sản, trên địa bàn TP đã hình thành vùng nuôi trồng tập trung và từng bước được đầu tư theo hướng công nghiệp, đặc biệt là đối với sản phẩm tôm thẻ chân trắng. Từ năm 2010 đến nay, diện tích nuôi tôm trên địa bàn liên tục tăng từ 900ha đến trên 1.000ha...
Hầu hết các cơ sở nuôi trồng quy mô lớn trên địa bàn đều đã áp dụng các biện pháp quản lý tiên tiến như: GAP (Quy trình thực hành tốt trong nuôi trồng thuỷ sản), BMP (Thực hành quản lý), CoC (Bộ quy tắc ứng xử có trách nhiệm trong nuôi trồng thuỷ sản) nhằm tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng ATVSTP, tạo ra nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến.
Theo: nongnghiep.vn