Thị trường xuất khẩu “đóng băng”
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, xuất khẩu cá tra năm 2019 đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11% so với năm 2018. Sự sụt giảm ở một vài thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc đã khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra không đạt được như kỳ vọng.
Ngay trong tháng cuối năm 2019, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL có xu hướng giảm do mức độ giao dịch có phần chững lại và có chiều hướng đi xuống so với tháng trước, dao động ở mức thấp 19.000-19.500 đồng/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con), giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng 11. Thị trường giao dịch chậm, các công ty chủ yếu thu hoạch cá trong vùng nuôi của doanh nghiệp và thu mua theo hợp đồng liên kết với các hộ nuôi cá. Bước sang những tháng đầu năm 2020, giá cá tra nguyên liệu đã liên tục sụt giảm so với những năm trước và hiện dao động ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg. Mặc dù xuất khẩu thường tăng khá mạnh ở các tháng cuối năm, nhưng dự báo giá khó biến động mạnh cho đến quý I/2020, nghĩa là vẫn ở mức thấp.
Năm 2019, “bão giá” đã khiến nhiều người nuôi cá tra lao đao, giá cá lao dốc, xuống dưới giá thành sản xuất khiến nhiều nông dân thua lỗ nặng. Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2019, giá cá tra giảm tới 10.000 đồng, chỉ còn ở mức 19.000 đồng/kg. Trong khi đó, diện tích nuôi cá tra lại tăng đột biến sau một thời gian giá cá tăng, đã đẩy nhiều nông dân vào tình trạng thua lỗ. Trong khi đó, so với năm 2018, xuất khẩu cá tra cũng gặp nhiều khó khăn, giảm tới 10% về kim ngạch. Đặc biệt, tình hình tiêu thụ ở một số thị trường chính gặp khó khăn.
Cá tra Việt đang tìm cách chinh phục thị trường nội địa. (ảnh: tư liệu)
Đơn cử như thị trường Mỹ, sau nhiều năm đứng đầu về tỷ trọng xuất khẩu đã giảm xuống vị trí thứ hai, xuất khẩu cá tra sang Mỹ chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng mừng là việc Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn Việt Nam có thể tạo ra cơ hội cho con cá tra Việt.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU cũng liên tục sụt giảm, từ chiếm 24% tỷ trọng năm 2012 xuống còn 13% hiện nay. Tuy nhiên, sự sụt giảm đáng kể ở thị trường Trung Quốc (do nước này kiểm soát chặt hơn về an toàn thực phẩm) sau thời gian tăng trưởng quá nóng năm 2017 là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu cá tra không đạt được như kỳ vọng.
Những tín hiệu tích cực
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, xuất khẩu cá tra năm 2020 có thể sẽ khả quan hơn năm 2019 nhờ những tín hiệu tích cực đã xuất hiện.
Cụ thể, trong tháng 2/2020, Mỹ dự kiến công bố kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15. Cộng với việc Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội cho cá tra Việt.
Hiện, thách thức đối với cá tra đến với người tiêu dùng Việt và chinh phục thị trường nội địa là do thói quen tiêu dùng hàng ngày của người dân. Bên cạnh chiến lược xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tiếp thị, quảng cá cá tra tại thị trường trong nước. |
Trong khi đó, lượng tiêu thụ cá tra ở thị trường Trung Quốc đã và đang khởi sắc do nước này đang bước vào đợt nghỉ lễ lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, do giá cá tra xuất khẩu sang thị trường này lại rất thấp nên nhiều doanh nghiệp không quá mặn mà.
“Điều cần làm lúc này là doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cần liên kết với nhau, tránh tình trạng mạnh ai người đó bán”, liên tục xả kho với bất cứ giá nào khiến giá cá tra ngày càng xuống thấp. Ngoài ra, việc liên kết giữa các vùng nuôi cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp hạn chế việc ồ ạt, gây nên tình trạng dư cung” - ông Quốc nói.
Ngoài ra, cũng có một xu hướng nhiều doanh nghiệp đang tiếp cận là đưa cá tra quay lại chinh phục thị trường nội địa. Theo ông Quốc, nhiều hội chợ, người tiêu dùng rất thích mùi vị của cá tra trong khi loại cá này lại rẻ, giá trị dinh dưỡng cao.
Tuy nhiên, cá tra hiện vẫn thiếu kênh phân phối nội địa và mạng lưới chợ truyền thống tại những thị trường lớn như TP.Hồ Chí Minh. Do đó, sản phẩm cá tra hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu.
Hiện, thách thức đối với cá tra đến với người tiêu dùng Việt và chinh phục thị trường nội địa là do thói quen tiêu dùng hàng ngày của người dân. Bên cạnh chiến lược xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tiếp thị, quảng cá cá tra tại thị trường trong nước.
“Vì vậy, để tăng tiêu thụ cá tra ở thị trường trong nước, chúng ta cần có kênh phân phối mạnh, doanh nghiệp đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến thương mại và nhà nước phải có chính sách ưu đãi về thuế” - ông Quốc đề xuất.
Theo: Khánh Nguyên/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/nam-2020-ca-tra-boi-duong-nao-1050422.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn