Gần dân, hiểu dân, đổi thay nếp cũ
Hải Chính là xã ven biển thuộc huyện Hải Hậu, có 87% số dân theo Công giáo, nghề chính là làm muối và đánh bắt, khai thác hải sản. Xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2013. Cũng như các địa phương khác trên địa bàn huyện, những năm trước đây, xã vẫn tồn tại tập tục "ăn cỗ lấy phần". Cán bộ văn hóa xã Trần Thị Ðiệp cho biết: Ðám cưới, đám tang, tân gia, mừng thọ…, dịp nào cũng linh đình cỗ. Tại các đám cỗ, phụ nữ đi dự chiếm phần đông. Khi mâm cỗ bày ra, những món ngon như giò, thịt gà, chả nem… lập tức được xếp cả vào một góc để chia phần. Người đi ăn cỗ chỉ ăn "chiếu lệ" các món rau, miến, xôi còn đâu gói ghém mang về cho gia đình. Bữa cỗ biến thành buổi chia đồ ăn ồn ã, ai cũng muốn mang về phần ngon, và phải đủ như người khác...
Theo chị Trần Thị Ðiệp, thật ra "ăn cỗ lấy phần" từng là nét đẹp của người dân địa phương ở thời trước, thể hiện sự quan tâm của người đi ăn cỗ với người ở nhà. Trẻ con đã quen ngóng cha mẹ về mỗi khi trong làng có bữa cỗ để được ăn miếng ngon. Nhưng nay, điều kiện vật chất sung túc hơn, tập tục đó không còn phù hợp, phần cỗ mang về nhiều khi còn không có người ăn. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh và Hướng dẫn số 34/HD-UBND (ngày 5-5-2017) của UBND huyện Hải Hậu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn, cấp ủy và chính quyền xã Hải Chính đã tích cực vào cuộc vận động, thuyết phục và giám sát để người dân thay đổi thói quen cũ. Việc này không dễ, đòi hỏi cán bộ cơ sở phải có cách làm khéo léo, sáng tạo. Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chính Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: Ban đầu, xã tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh để nhân dân nắm được tinh thần mới, đồng thời yêu cầu các trưởng thôn báo cáo về các đám cỗ sắp diễn ra trên địa bàn. Thí dụ, với đám cưới, xã cử đoàn công tác do lãnh đạo xã dẫn đầu đến chúc mừng, với phần quà (từ nguồn ngân sách xã) khi là hiện vật, lúc là tiền mừng, thậm chí đăng ký hẳn một mâm cỗ. Tại lễ cưới, lãnh đạo xã phát biểu, vừa chúc phúc cho cặp vợ chồng mới, vừa lồng ghép tuyên truyền tinh thần tiết kiệm, làm cỗ vừa đủ, văn minh, không lấy phần mang về.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, trước kia nhà nào có việc đều rất lo, làm cỗ thừa thì lãng phí, làm thiếu thì… "chết dở" với làng xóm. Nay làm cỗ "đủ ăn, không lấy phần" mọi người vẫn vui vẻ mà chi phí mỗi mâm cỗ giảm chỉ còn một nửa so với trước. Tất nhiên, việc vận động ban đầu rất gian nan, phải kiên nhẫn, "mưa dầm thấm lâu". Với đặc thù có tỷ lệ đồng bào Công giáo rất cao, xã có sáng kiến, nhờ các vị linh mục răn dạy, nhắc nhở người dân cho nên rất hiệu quả. Sau khoảng hai năm triển khai, hiện việc thực hiện nếp sống văn minh đã tạo thành phong trào rộng khắp các xã trong huyện. Cán bộ văn hóa Trần Thị Ðiệp giờ đây cũng không còn phải "mướt mải" đi dự mọi đám cỗ trên địa bàn. Ông Phạm Văn Ðương ở xóm Tây Sơn là một trong những người đầu tiên của xã Hải Chính tổ chức đám cưới cho con trai theo nếp sống mới năm 2017. Xong xuôi, ông lên xã cảm ơn, rồi trở thành người tích cực đi vận động, nhắc nhở bà con không làm "cỗ lấy phần" từ đó đến nay.
Với việc tang, Hải Chính thực hiện sáng kiến "vòng hoa luân chuyển". Theo đó, thay vì mỗi đoàn viếng mang một vòng hoa, gia đình đám hiếu chuẩn bị sẵn khoảng ba đến năm vòng hoa, thông báo sẵn trong tin buồn việc khách chỉ cần mang băng tang, sẽ luân chuyển vòng hoa mỗi lượt vào viếng. Trước đây, đám hiếu nhỏ cũng vài chục, đám to đến hàng trăm vòng hoa, phải chất lên mấy xe tải mang ra nghĩa trang. Nhưng bây giờ, việc tang đã văn minh hơn nhiều. Gia đình có đám hiếu cũng không phải "tối tăm mặt mũi" vì lo cỗ ba, bốn bữa một ngày vì chỉ con cháu và vài nhà hàng xóm thân thiết ở lại dùng cơm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hải Hậu Vũ Ngọc Trường cho biết: Ðể khích lệ, huyện "treo thưởng" 50 triệu đồng cho địa phương thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn minh NTM. Kết quả, tất cả 35 xã, thị trấn của huyện đều được thưởng. Phong trào lan tỏa rộng khắp, trở thành một nội dung trong hương ước, quy ước từng thôn xóm, và là điều kiện để xét công nhận danh hiệu văn hóa trong NTM, được người dân nhiệt thành hưởng ứng.
Những miền quê đáng sống
Xây dựng NTM với việc huy động được hàng chục nghìn tỷ đồng từ sức dân là thành tựu to lớn của tỉnh Nam Ðịnh, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách hạn chế. Khi cơ sở vật chất đã khang trang, sạch đẹp; thu nhập của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, việc đưa xây dựng NTM vào chiều sâu, nâng cao đời sống tinh thần tại mỗi miền quê rất được chú trọng. Nhưng nhiệm vụ này cũng gian nan không kém giai đoạn trước. Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường Trần Văn Vỵ chia sẻ: Trong xây dựng nếp sống văn minh, vượt qua rào cản tâm lý là bài toán khó, nhất là ở làng xã. Khi huyện tuyên truyền, vận động "làm cỗ đủ ăn" tại một vài xã, có người hỏi: Thế nào là "đủ ăn", bao nhiêu tiền một mâm thì vừa, làm thiếu cỗ, làng xóm lời ra tiếng vào ai chịu? Rồi khi vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, khó khăn nảy sinh vì người này nhìn người kia, cán bộ, đảng viên cũng là con cháu trong họ tộc, cũng ngại "lệ làng"…
Cầm trên tay tờ nội quy về tổ chức lễ tang, lễ an táng của xã Xuân Vinh được ép plastic, cán bộ văn hóa xã Ðoàn Xuân Vinh giải thích: "Phải ép plastic để còn đọc trong đám hiếu nếu… trời mưa". Nội quy ban hành tháng 7-2017 với năm điều rất cụ thể, từ việc không mời thuốc lá, không mời cỗ, giới hạn số lượng vòng hoa, bức trướng cho đến khung thời gian tổ chức lễ tang trong ngày, không dùng nến cốc khi đưa tang… còn được in ngay cạnh cáo phó và được cán bộ xã dày công đi khắp các thôn thuyết phục, vận động người dân. Giờ đây, sau thời gian vận động nhân dân thực hiện, xã Xuân Vinh là một trong những đơn vị đi đầu của huyện Xuân Trường về nếp sống văn minh trong việc tang, không chỉ với biến chuyển về cỗ bàn, vòng hoa mà còn ở việc vận động được nhiều hộ dân hỏa táng người đã khuất. Một số địa phương khác như các xã Xuân Ðài, Xuân Tân, Xuân Thượng… cũng thu được những kết quả đáng khích lệ. Nhưng do chưa đưa việc thực hiện nếp sống văn minh vào hương ước, quy ước trên toàn huyện, nên Xuân Trường còn gặp vướng mắc vì độ "vênh" từ các xã: người xã này sang xã kia dự đám vẫn đòi chia phần, vẫn mang vòng hoa; người dân nhiều nơi vẫn dựng rạp đám cưới ra lề đường, hay buổi mừng thọ xếp chật nhà đường, sữa…
Bên cạnh thực hiện nếp sống văn minh NTM, tỉnh Nam Ðịnh cũng quan tâm việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa, phát động các phong trào văn hóa, thể thao, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn. Sau gần ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Ðịnh, đến nay toàn tỉnh có 2.845 thôn, xóm, tổ dân phố (đạt 78,2%) được công nhận Làng văn hóa; 82,3% số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; tất cả các xã đạt tiêu chí văn hóa, tăng 30% so năm 2015. Nam Ðịnh đã có 3.005 trong số 3.634 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa; 189 khu thể thao cấp xã; 2.090 sân chơi thể thao; 866 đội văn nghệ quần chúng và gần 60 CLB văn hóa, văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, cấp huyện, thu hút gần 2.000 hội viên… Việc xây dựng, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa làm phong phú các hoạt động trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Mỗi năm, vào dịp Quốc khánh 2-9, huyện Hải Hậu lại tổ chức Ngày hội Tết Ðộc lập với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao đặc sắc. Ðây là dịp những con em xa quê về chung vui, ước tính lên tới 200 nghìn người. Năm 2018, Hải Hậu bố trí 1,5 tỷ đồng và huy động từ nguồn xã hội hóa thêm hơn một tỷ đồng nữa để tổ chức ngày hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh Nguyễn Phùng Hoan nhấn mạnh: Tỉnh coi trọng việc phát huy giá trị cốt lõi của truyền thống văn hiến trên quê hương; các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, MTTQ… thực hiện nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ nhằm nâng cao năng lực cộng đồng và đời sống tinh thần của người dân, góp phần giúp từng địa phương trở thành những miền quê đáng sống. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 07, nhân rộng các mô hình nếp sống văn minh, tiến bộ, dần loại bỏ những tập tục không còn phù hợp.
Ðến nay, toàn bộ 209 xã, thị trấn của Nam Ðịnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Có bảy huyện, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó huyện Hải Hậu đã về đích năm 2015 và đang tiến hành các giai đoạn sau, hoàn thành "NTM bền vững và phát triển" và xây dựng "NTM kiểu mẫu"... Nam Ðịnh đặt mục tiêu năm 2019 có từ 50 đến 60 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; hết quý II năm 2019 có thêm ba huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; năm 2020 hình thành 24 mô hình NTM kiểu mẫu...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn