Ông Trần Công Thắng phát biểu tại hội thảo.
Ông Trần Công Thắng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội thảo. Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Công an tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; 20 đại biểu, đại diện cho hơn 300 mô hình tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến hoạt động có hiệu quả 3 năm gần đây trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, công tác tuyên truyền của MTTQ các cấp trong tỉnh luôn được gắn với thực hiện các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các phong trào thi đua yêu nước, chương trình an sinh xã hội.
Năm 2017, MTTQ các cấp đã phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân hiến 381.863m2 đất với trên 20.000 ngày công trị giá 217,2 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn. Công tác tuyên truyền miệng trong hệ thống MTTQ các cấp đã có nhiều sự đổi mới về nội dung và cách làm; nâng cao chất lượng theo hướng 5 rõ: "rõ tên việc, rõ địa chỉ, rõ đơn vị chủ trì, rõ cách làm và rõ kết quả thiết thực" đã phát huy hiệu quả và tác động đến công tác giảm nghèo bền vững.
Riêng năm 2016, toàn tỉnh đã có 757 hộ đăng ký thoát nghèo trong đó có 300 hộ là người dân tộc thiểu số... Năm 2017, toàn tỉnh đã có trên 1,5 triệu người tham gia BHYT chiếm 92%; có 2.384 ban vận động BHYT với 14.446 thành viên tham gia. Toàn tỉnh hiện nay có 2.526 "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010 – 2020
Công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ các cấp trong tỉnh đã góp phần tích cực vào kết quả xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh; củng cố và phát triển khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; góp phần xây dựng Bắc Giang trở thành địa phương có môi trường sống yên bình, an toàn về an ninh trật tự... theo tinh thần Chỉ thị số 11 - CT/TU ngày 26/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 11,93% năm 2016 xuống còn 9,53% năm 2017; năm 2017 toàn tỉnh đạt 87,9% hộ gia đình văn hóa, 76,4% đạt khu dân cư văn hóa.
Toàn cảnh hội thảo.
Hội thảo đã có 11 ý kiến tham luận trực tiếp trên tổng số 24 tham luận được gửi đến Ban Tổ chức. Các tham luận đều thống nhất và khẳng định vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, vận động; nhất là công tác tuyên truyền miệng của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đang hoạt động có hiệu quả ở địa phương. Đồng thời khẳng định: Dù đang là thời đại bùng nổ thông tin cùng sự phát triển mạnh mẽ của các hệ thống truyền thông đại chúng. Tuyên truyền miệng thông qua các mô hình, điển hình tiên tiến ở khu dân cư vẫn là hình thức không thể thay thế và phát huy hiệu quả nhất…
Kết luận Hội thảo, ông Trần Công Thắng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã cảm ơn các ý kiến tham luận của các cơ quan, đơn vị; ghi nhận đóng góp của 20 các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến thay mặt cho hơn 300 mô hình tiêu biểu trong toàn tỉnh đã có mặt và phát biểu tham luận tại Hội thảo. Thông qua các ý kiến tham luận, đã khẳng định vai trò, vị thế của MTTQ trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ thị, nghị quyết; kế hoạch, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương.
Ông Trần Công Thắng Đồng đề nghị các đại biểu tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác tuyên truyền thời gian qua; duy trì, nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội… Đẩy mạnh việc tuyên truyền về nhân tố mới, gương điển hình làm cho “Gương người tốt, việc tốt” được cộng đồng xã hội học tập, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đề ra.
Theo Nguyễn Đức Trọng/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn