Trong những năm qua, việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho người dân nông thôn đã và đang đạt được những thành tựu đáng kể.
Cuối tuần qua, tại xã Liêm Tuyền, TP Phủ Lý (Hà Nam), Trung tâm Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ NN- PTNT) phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức lễ phát động Tuần lễ Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường 2015.
Tuần lễ với chủ đề “Nâng cao chất lượng nước và vệ sinh nông thôn”. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong những năm qua, việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho người dân nông thôn đã và đang đạt được những thành tựu đáng kể.
Đến cuối năm 2014, có khoảng 84,5% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có khoảng 42% người dân được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế; 63% số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh; trên 91% các trường học và 93% trạm y tế xã có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Tại một số vùng nông thôn, điều kiện vệ sinh làng xã cũng như chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh dần được cải thiện. Kết quả này góp phần nâng cao sức khoẻ và cải thiện điều kiện sống của người dân nông thôn, đồng thời góp phần xây dựng NTM hiện đại văn minh.
Tuy nhiên, một số nơi của các huyện vùng cao, miền núi vẫn còn khó khăn, chưa tiếp cận được với việc tuyên truyền về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn.
Đối với các công trình cấp nước tập trung, nguồn vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ tối đa 90% đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới; 60% đối với xã đồng bằng và 75% đối với xã nông thôn khác.
Việc xây dựng các mô hình nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh (gồm cả biogas), Nhà nước hỗ trợ 70% đối với hộ nghèo, gia đình chính sách; 35% đối với hộ cận nghèo, các hộ gia đình khác được dùng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi theo quy định.
Hà Nam là 1 trong 8 tỉnh tiếp nhận hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) theo phương thức mới. Chương trình nhằm nêu cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành và cả cộng đồng tham gia tích cực trong việc quản lý sử dụng công trình đảm bảo hiệu quả bền vững.
Đồng thời thúc đẩy việc xã hội hóa chương trình để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế nhất là khu vực tư nhân.
Ông Vũ Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho biết, Hà Nam có hơn 50 nhà máy cấp nước tập trung, hàng chục nghìn giếng khoan, giếng đào các loại, hơn 128.000 bể chứa nước mưa.
Cắt băng khánh thành nhà máy nước sạch Liêm Tuyền
Từ năm 2011, Hà Nam đã đầu tư xây mới và nâng cấp 22 công trình cấp nước sạch nông thôn. Hết năm 2014, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 85,19%, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đạt quy chuẩn Bộ Y tế trên 39%.
Nhà máy nước sạch Liêm Tuyền mới được khánh thành có công suất 4.500m3/ngày đêm, bảo đảm cung cấp nước sạch cho hơn 12.700 người dân hai xã Liêm Tuyền và Liêm Tiết.
Đây là dự án thuộc Hợp phần Cấp nước - Chương trình nước sạch và Vệ sinh môi trường dựa trên kết quả do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, chia sẻ, nước và môi trường là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại của sự sống trên Trái đất, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống con người.
Nước cần được nhìn nhận không chỉ ở khía cạnh là một nguồn tài nguyên quý giá mà còn là chìa khóa đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
“Hội đã xây dựng được các mô hình điểm về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường để tuyên truyền, nhân rộng mô hình. Tổ chức Hội Nông dân thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên nông dân; tham gia xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn”, ông Lượng đánh giá.
Theo: nongnghiep.vn