Phó chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trao đổi kinh nghiệm
xây dựng NTM với các đại biểu
Theo ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM Trung ương, đến nay cả nước có 889 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM, bình quân mỗi xã đạt 11,6 tiêu chí tăng 6,7 tiêu chí/xã so với năm 2011, số xã đạt 15 – 18 tiêu chí chiếm 15,4%, số xã đạt 10 – 14 tiêu chí đạt 35,8%, số xã đạt 31,1% và số xã dưới 5 tiêu chí là 7,75%.
Hiện nay cả nước có 4 đơn vị cấp huyện gồm Xuân Lộc, Long Khánh của tỉnh Đồng Nai, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ công nhân đạt chuẩn NTM.
Đây là những kết quả đáng ghi nhận, khích lệ lớn đối với phong trào xây dựng NTM. Tuy nhiên, MTTQ các tỉnh cần xây dựng kế hoạch để nâng chất các tiêu chí, giải quyết các vấn đề về môi trường và thu gom rác thải tại môi trường nông thôn.
Trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, nhiều tỉnh, thành đã có cách làm sáng tạo, huy động sự đóng góp của cộng đồng xây dựng NTM. Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng NTM, ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bắc Giang cho biết, MTTQ tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch hướng dẫn thực hiện gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tập trung tuyên truyền về chủ trương và biện pháp thực hiện, đảm bảo dân chủ công khai trong quy hoạch xây dựng, công khai tài chính và công khai sự đóng góp của nhân dân.
Đối với những quy định về hỗ trợ đóng góp, với cơ chế rõ ràng Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tích cực vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng…
Qua thống kê, mức đóng góp của nhân dân khi xây dựng các công trình công cộng lên đến 60%. Sau gần 5 năm triển khai, toàn tỉnh đã vận động 5.650 hộ tham gia hiến trên 1,5 triệu m2 đất các loại, 150.000 ngày công lao động, phá dỡ gần 50.000 m tường rào để thực hiện công trình công cộng, vận động dồn điền đổi thửa được 5.515 ha, xây dựng được 54 cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, Bắc Giang đã có 32/40 xã đạt chuẩn NTM, đứng đầu trong 14 tỉnh miền núi Phía bắc.
“ Xây dựng NTM không chỉ là sự thay đổi diện mạo của bộ mặt nông thôn mà hơn thế là sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của người dân về vai trò chủ thể và mối quan hệ mật thiết giữa người dân với cán bộ Đảng viên, hệ thống chính trị ở cơ sở. Qua phong trào, đội ngũ cán bộ ở sơ sở từng bước trưởng thành, gắn bó với dân và được nhân dân tin tưởng hơn” ông Ngô Sách Thực khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh hoan nghênh kết quả đạt được trong quá trình Mặt trận tham gia xây dựng NTM. MTTQ các tỉnh thành đã xác định được trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM đó là tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò giám sát trong xây dựng NTM tại địa phương, xây dựng các mô hình để hướng dẫn cách làm, phổ biến những kinh nghiệm như mô hình “Xóm NTM”,” KDC tự quản về môi trường”, “Nhóm nòng cốt cộng đồng” …
Trong thời gian tới, theo Phó chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, ngoài công tác tuyên tuyền, vận động, MTTQ các tỉnh nên xác định nhiệm vụ trọng tâm, chọn những tiêu chí khó để tuyên truyền để cùng với chính quyền và các tổ chức thành viên hoàn thiện tiêu chí NTM ở các xã chưa đạt tiêu chí. Đối với tiêu chí về văn hóa, địa phương phải biết phát huy thiết chế văn hóa để những nhà văn hóa xóm, thôn luôn có người đến tham gia sinh hoạt, hoạt động thể dục, thể thao, phát huy bản sắc văn hóa của từng địa phương...
“Để làm tốt việc này, MTTQ phải tăng cường vai trò giám sát đầu tư của cộng đồng, giám sát tiền đóng góp của nhân dân, giám sát thực hiện quy trình công nhận, đánh giá xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới, tránh tình trạng chạy theo thành tích”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Nguyễn Phượng
Theo: daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn