Tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng
Mở đầu phiên chất vấn, nhiều đại biểu đề nghị Thống đốc NHNN nêu rõ giải pháp để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn. Bởi thực tế việc giải ngân rất ít, hiệu quả thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các chương trình tín dụng ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ chưa cao.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, định hướng tín dụng năm 2017 tăng khoảng 18%, nhưng có điều chỉnh phù hợp diễn biến, tình hình thực tế, bảo đảm thanh khoản cho các ngân hàng cung ứng vốn tín dụng, ổn định lãi suất. Theo đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả, triển khai cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Với lĩnh vực cho vay tiềm ẩn rủi ro, NHNN đã có biện pháp kiểm soát tín dụng như nâng hệ số rủi ro, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Ðối với lĩnh vực tín dụng bất động sản, sẽ hạn chế “dòng chảy” vào thị trường bất động sản để tránh nguy cơ gây “bong bóng”, nhưng ưu tiên cho vay phân khúc mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc cho vay thực hiện còn hạn chế do ngân sách nhà nước khó khăn. NHNN đang chờ Bộ Kế hoạch và Ðầu tư bố trí vốn để triển khai chương trình này. Về chính sách cho học sinh, sinh viên vay vốn, Thống đốc cho biết, hiện có 3,5 triệu học sinh, sinh viên được vay, tổng mức cho vay 15.600 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ. Từ đầu năm 2017 đến nay, đã điều chỉnh bảy lần mức vay, hiện nay là 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức cho vay chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, cho nên thời gian tới cần nghiên cứu nâng mức cho vay phù hợp.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) về khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị định 67 cho ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu, Thống đốc NHNN cho biết, các ngân hàng đã ký cho vay đóng mới hơn 1.000 tàu, dư nợ đạt 9.300 tỷ đồng, 93% hồ sơ vay vốn của các chủ tàu đã được giải quyết. Tuy nhiên, hiện nợ xấu đang có xu hướng tăng do nhiều chủ tàu không có nguồn thu trả nợ khi tàu đóng mới không bảo đảm chất lượng, chủ tàu không đủ khả năng tiếp tục đóng mới, khai thác, hiệu quả khai thác sử dụng tàu thấp… Cụ thể, hiện 50 khoản vay với dư nợ hơn 600 tỷ đồng đã quá hạn, trong đó 16 khoản vay đã thành nợ xấu. NHNN đã tổng hợp kiến nghị khi làm việc với ngân hàng, địa phương và nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Về ý kiến đề xuất xóa nợ cho đối tượng bị thiệt hại do các cơn bão gây ra vừa qua, Thống đốc cho biết, đã chỉ đạo cơ cấu lại nợ, đánh giá ảnh hưởng thiệt hại, tổ chức khoanh nợ, giãn nợ để nghiên cứu hướng xử lý phù hợp. Về giải pháp giảm lãi suất cho vay như chất vấn của nhiều đại biểu, Thống đốc cho biết, đặc điểm của thị trường tài chính Việt Nam là hệ thống ngân hàng phải cung ứng vốn trung, dài hạn rất lớn, trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn. Cho nên, khi điều hành vĩ mô, NHNN rất lưu ý chênh lệch kỳ hạn để tránh rủi ro trong hoạt động ngân hàng, với quan điểm kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Ðây là cơ sở quan trọng để có thể giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN thực hiện việc điều tiết bảo đảm thanh khoản của các ngân hàng, giữ ổn định thanh khoản, qua đó giữ ổn định lãi suất và góp phần giảm được lãi suất cho vay.
Trả lời đại biểu Thanh Tùng (Hải Phòng) và một số đại biểu về định hướng điều hành tỷ giá thời gian tới nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, để tỷ giá diễn biến phù hợp mục tiêu điều hành, phòng ngừa rủi ro tỷ giá, cần tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện tiếp cận và tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả, kiểm soát lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay, kiểm soát được lạm phát, tính toán nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ, đánh giá tác động tới giá hàng hóa xuất, nhập khẩu… NHNN đã áp dụng tỷ giá trung tâm, điều hành linh hoạt dựa vào cung cầu thị trường, điều hành vĩ mô từng thời kỳ. Việc áp dụng tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2016 giúp thị trường diễn biến tích cực. Năm 2016, NHNN mua vào hơn 9 tỷ USD và từ đầu năm 2017 đến nay, đã mua thêm được 7 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục hơn 46 tỷ USD. Với quy mô dự trữ ngoại hối này, hoàn toàn có thể giữ ổn định tỷ giá. Nhờ đó, tỷ giá ổn định, xuất khẩu đã tăng mạnh, xuất siêu đạt khoảng 2,8 tỷ USD.
Phát biểu ý kiến tổng kết phần trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, mặc dù lần đầu trả lời chất vấn nhưng Thống đốc nắm chắc tình hình, thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời thẳng thắn, làm rõ các vấn đề được đại biểu QH nêu và đưa ra giải pháp khắc phục, đã nhận được sự hài lòng của QH, được cử tri đánh giá cao. Trên cơ sở kết quả chất vấn, đề nghị Chính phủ, Thống đốc NHNN, các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra, tập trung vào một số vấn đề như: điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động; hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp tình hình kinh tế vĩ mô, chú trọng cho vay các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả, các lĩnh vực ưu tiên theo chính sách của Chính phủ, hỗ trợ cho vay học sinh, sinh viên và đồng bào vùng thiên tai sớm khôi phục hoạt động sản xuất, ổn định đời sống. Ðẩy mạnh chương trình kết hợp ngân hàng với doanh nghiệp, khẩn trương sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định về hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm an toàn hệ thống, giảm rủi ro...
Kiên quyết xử lý thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội
Tiếp đó, QH tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ðại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Ðồng Tháp) và nhiều đại biểu đề nghị thông tin rõ tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử và giải pháp khắc phục sự chậm trễ hiện nay. Về nội dung này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, các bộ, ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được triển khai đồng bộ, nhiều cơ quan chưa quan tâm đúng mức…
Về những khó khăn trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết: Hiện nay, có hiện tượng một số người đứng đầu địa phương, đơn vị chưa quan tâm xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử, chưa gương mẫu, chưa trực tiếp tham gia. Bên cạnh đó, kinh phí để triển khai chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, vì vậy việc thực hiện Chính phủ điện tử còn chậm và chưa đồng bộ. Một trong những trọng tâm đang được Bộ tập trung triển khai nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên là, tham mưu Chính phủ xây dựng văn bản xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai Chính phủ điện tử; phối hợp các bộ, ngành liên quan có cơ chế huy động nguồn lực tài chính để phát triển Chính phủ điện tử…
Trả lời chất vấn của các đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An), Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) về tác hại của thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội và giải pháp khắc phục, Bộ trưởng cho biết, ở Việt Nam có khoảng 53 triệu người sử dụng Facebook, khoảng 70% người dân Việt Nam sử dụng in-tơ-nét. Trong đó, có một bộ phận người dùng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường mạng xã hội khi lợi dụng mạng xã hội đưa thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự cá nhân, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo... Về công tác quản lý nhà nước, Bộ đã phối hợp triển khai các giải pháp tăng cường thông tin tốt, giảm thông tin xấu trên mạng xã hội, làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, như Facebook, Google... để trao đổi tìm giải pháp khắc phục. Vừa qua Bộ đã yêu cầu Youtube gỡ hàng nghìn vi-đê-ô xuyên tạc, nói xấu cá nhân, tổ chức. Bộ trưởng nêu rõ: Hiện nay, thông tin trên mạng có tốc độ truyền đi rất nhanh. Tuy nhiên, đa số người dân đều tin tưởng vào các thông tin báo chí hơn các thông tin được phát tán trên mạng xã hội. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng gặp tình trạng này nhưng họ có hệ thống luật pháp, chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý các thông tin sai lệch trên mạng và đây là điều mà Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo để xử lý nghiêm các thông tin xấu, độc hại.
Về các giải pháp xử lý thông tin xấu, độc hại, Bộ trưởng nêu rõ: Các cơ quan chức năng cần tăng cường điều chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội bằng các quy định pháp luật hiện hành và cần xử lý nghiêm minh, công bằng, triệt để, kịp thời. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật liên quan để tạo cơ sở cho việc xử lý kịp thời hơn nữa thông tin xấu, độc hại trong thực tế. Bộ trưởng đề nghị các đại biểu QH tăng cường giám sát các công việc, hoạt động của ngành thông tin và truyền thông để góp phần giúp ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng quản lý nhà nước của mình trên một lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm.
Tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu QH về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cung cấp thêm nhiều thông tin về quá trình triển khai Chính phủ điện tử, về thông tin trên mạng xã hội và an ninh, an toàn mạng. Trong đó, Phó Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng trong việc triển khai Chính phủ điện tử và hiện nay đang đứng thứ 89 trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều hạn chế và cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành phải quyết liệt triển khai và phát triển các dịch vụ công trực tuyến và có báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nhằm công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có ý thức mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nhất là trên mạng xã hội bằng nhiều biện pháp mạnh, hiệu quả. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng về ý thức của người dân khi tiếp cận với mạng xã hội; năng lực ứng phó của các cơ quan chức năng đối với các sự cố, các cuộc tiến công mạng…
Phát biểu ý kiến kết luận phần chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của đại biểu QH, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, lĩnh vực của mình. Trong đó, tích cực triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng để phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, bảo đảm liên thông, đồng bộ, an toàn an ninh mạng. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong đẩy nhanh ứng dụng CNTT gắn với cải cách bộ máy hành chính nhà nước, cải cách thủ tục hành chính và tinh giản biên chế. Ðẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phù hợp nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử... Chủ tịch QH cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan làm tốt công tác quản lý báo chí, chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác; tăng cường các biện pháp để phát huy vai trò nòng cốt của báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu, độc hại; triển khai thực hiện đầy đủ quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí...
Theo quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, các biện pháp hỗ trợ, xử lý các ngân hàng đã mua bắt buộc đã có các giải pháp, như: được phép bán các khoản nợ xấu cho VAMC, được phép vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, được phép trích lập dự phòng rủi ro cho kết quả hoạt động kinh doanh… Các biện pháp hỗ trợ này không sử dụng trực tiếp ngân sách nhà nước và cũng được quy định rất cụ thể ở trong Luật, để bảo đảm công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ đã được quy định rất cụ thể gồm áp dụng những biện pháp nào, mức độ áp dụng như thế nào và thẩm quyền quyết định các biện pháp hỗ trợ đó… Các quy định đều nhằm bảo đảm có khuôn khổ pháp lý đầy đủ và minh bạch trong việc thực hiện các biện pháp cơ cấu lại và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng
Thời gian qua, cử tri rất lo lắng trước những vụ án xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng là lĩnh vực tưởng như phải chặt chẽ nhưng lại xảy ra hàng loạt vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, trong đó có nhiều vi phạm về hoạt động thanh tra, giám sát, như: tổ chức nhiều đoàn thanh tra nhưng không phát hiện kịp thời các vi phạm; có trường hợp phát hiện được vi phạm nhưng lại không kiến nghị xử lý; một số trường hợp kiến nghị xử lý nhưng không đôn đốc, không theo dõi việc thực hiện kết luận sau thanh tra. Hậu quả của những vụ án vừa qua đã không trầm trọng nếu các cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng làm tốt trách nhiệm được giao. Ðề nghị cần có những biện pháp để siết chặt kỷ cương, kỷ luật bộ máy thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát ngân hàng trong thời gian tới.
Ðại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn