Chúng tôi về Nghĩa Minh đúng vào ngày xã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM do UBND tỉnh Nam Ðịnh trao tặng. Ngắm nhìn những khuôn mặt rạng ngời niềm phấn khởi của những người đến dự buổi lễ, chúng tôi hiểu chương trình xây dựng NTM đã có sức lan tỏa sâu rộng, thật sự đi vào cuộc sống của người dân nơi đây. Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Trịnh Minh Tuấn cho biết: Nghĩa Minh vốn là xã nghèo, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (11,8% năm 2010) nhưng lại được huyện chọn làm điểm xây dựng NTM. Vì vậy cấp ủy, chính quyền của xã đã không khỏi băn khoăn, lo lắng. Song, với ý thức, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, tập thể Ðảng bộ xã xác định quyết tâm: Dù khó khăn đến mấy cũng phải động viên nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong đó nhiệm vụ đầu tiên là phải làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu được rõ mục đích cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ". Muốn vậy phải đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ và cách làm ăn theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Nghĩa là phải kiến thiết lại đồng ruộng, thực hiện dồn điền đổi thửa (DÐÐT) để có quỹ đất xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CÐML); huy động mọi nguồn lực xã hội để xây dựng các công trình "đường - trường - trạm" phát triển sản xuất và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Mọi việc từ xây dựng đề án xây dựng NTM của xã, phương án DÐÐT của các đội sản xuất đến việc huy động nguồn lực xây dựng nhà văn hóa, hệ thống "đường dong, ngõ xóm" trong từng khu dân cư đều được bàn bạc dân chủ, công khai và chỉ được triển khai khi có sự đồng thuận cao của người dân.
Khi được hỏi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động ở cơ sở, Bí thư chi bộ xóm 5 Dương Văn Hùng chia sẻ: Chi bộ ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, phân công đảng viên phụ trách từng phần công việc và nhóm hộ dân. Ðồng thời thành lập Tiểu ban tuyên truyền do bí thư chi bộ, trưởng xóm phụ trách, mời các vị có uy tín trong xóm, trong các dòng họ cùng tham gia. Trong các buổi họp dân, thành viên của Tiểu ban tuyên truyền phát biểu định hướng để nhân dân bàn bạc thảo luận theo đúng chủ đề. Kết quả cuộc họp được phổ biến lồng ghép với nội dung sinh hoạt của các chi hội Người cao tuổi, Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ... Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, nếu có hộ dân nào còn băn khoăn, chưa thật sự thông suốt trong tư tưởng đều được bí thư chi bộ, trưởng xóm cùng thành viên của Tiểu ban tuyên truyền trực tiếp gặp gỡ, chỉ ra "những điều hơn, lẽ phải", động viên họ tham gia cùng tập thể.
Kết quả, trong ba năm (2011 - 2013) xây dựng NTM, xã Nghĩa Minh đã huy động được gần 45 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp hơn tám tỷ đồng, hiến hơn 1.000 m2 đất ở) để hoàn thành tuyến đường liên xã dài 1,3 km cùng toàn bộ hệ thống "đường dong, ngõ xóm" của chín xóm với tổng chiều dài gần 20 km và 18 km đường trục chính ra các xứ đồng. Các tuyến đường đều được đổ bê-tông hoặc trải nhựa bảo đảm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong xã và khu vực phía tây huyện Nghĩa Hưng. Cũng trong ba năm qua, Nghĩa Minh đã xây dựng, đưa vào hoạt động chín Nhà văn hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Cũng như nhiều nơi khác, cái khó nhất trong xây dựng NTM ở Nghĩa Minh vẫn nằm trong việc DÐÐT, quy hoạch và cơ cấu lại sản xuất trên địa bàn. Bởi đây không chỉ là vấn đề thay đổi cung cách làm ăn mà nó còn động chạm đến quyền lợi kinh tế của nhiều hộ dân. Nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, Nghĩa Minh sớm hoàn thành DÐÐT, bảo đảm mục tiêu đề ra: giảm số thửa ruộng canh tác/hộ xã viên; chỉnh trang giao thông, thủy lợi nội đồng; quy vùng sản xuất tập trung; giữ vững ổn định chính trị và an ninh trật tự trên địa bàn. Nông dân trong xã tự nguyện góp 52 nghìn m2 đất ruộng canh tác để làm đường giao thông, củng cố kênh mương và hệ thống đường ra đồng. Hầu hết gia đình cán bộ, đảng viên ở các xóm, đội sản xuất đều nhận phần ruộng xấu về mình, nhường ruộng tốt cho xã viên nên công việc diễn ra suôn sẻ, không phải tổ chức gắp thăm như nhiều nơi vẫn làm, không để xảy ra khiếu kiện, tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt.
Sau khi thực hiện thắng lợi công tác DÐÐT, Nghĩa Minh đã tập trung cao cho phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng CÐML, đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất nhằm tăng giá trị thu nhập cho nông dân. Ðến năm 2013, Nghĩa Minh đã xây dựng được hai CÐML rộng hơn 100 ha (chiếm 1/3 diện tích đất trồng lúa của cả xã) với hàng trăm hộ nông dân tham gia, luân canh ba vụ (hai lúa - một màu vụ đông) đạt hiệu quả kinh tế cao, trở thành mô hình điểm và mang tính đột phá ở huyện Nghĩa Hưng. Mô hình CÐML đã góp phần đưa năng suất lúa bình quân của xã đạt 128 tạ/ha/năm, với giá trị thu nhập 120 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp hơn hai lần so với trước đây.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, chính quyền xã còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển ngành nghề bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Hiện, trên địa bàn xã có hơn 20 gia trại tổ chức theo phương thức "lúa - lợn - nuôi trồng thủy sản", "lúa - lợn - cây cảnh"; ngành nghề và dịch vụ thương mại tập trung ở khu vực xóm 5, nơi có chợ Ðầu đê và ven trục quốc lộ 37B mới được Nhà nước đầu tư nâng cấp.
Biết chọn cho mình hướng đi đúng, trúng nên Nghĩa Minh đã có bước chuyển toàn diện, mang tính bền vững thể hiện qua những con số đáng trân trọng: Hơn 91% số lao động có việc làm với 41% số người lao động được đào tạo nghề; thu nhập bình quân đạt hơn 29 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Đặng Ngọc Oanh
Nguồn: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn